Nộp chậm báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn có thể bị phạt tới 15.000.000 VNĐ đều doanh nghiệp bỏ lỡ thời hạn quá lâu. Để tránh tình trạng này, bạn hãy theo dõi các nội dung sau của UBot nhé!
>> Hướng dẫn hạch toán hóa đơn điều chỉnh giảm
1. Tại sao phải nộp báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn?
Sau khi phát sinh hành vi mua hóa đơn, các doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh phải nộp cho Cơ quan Thuế bản báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn và bảng kê những hóa đơn đã sử dụng đó vào mỗi quý.
Theo quy định, các tổ chức, cá nhân chỉ được phép nộp bản báo cáo muộn nhất là vào ngày cuối cùng của tháng đầu tiên quý liền kề quý phát sinh việc mua và sử dụng hóa đơn.
Nếu trong kỳ đó, các tổ chức, cá nhân kinh doanh không phát sinh việc dùng hóa đơn thì ghi số lượng hóa đơn sử dụng là bằng 0 khi làm báo cáo, cũng không cần làm bảng kê gửi kèm.
Nếu trong kỳ trước, các tổ chức, cá nhân đã sử dụng hết hóa đơn và ghi trong báo cáo là số tồn hóa đơn bằng 0, trong kỳ này không phát sinh việc mua và dùng hóa đơn nữa thì các tổ chức, cá nhân đó không cần phải làm báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn.
Các tổ chức, cá nhân kinh doanh phải nộp báo cáo cùng bảng kê nếu phát sinh việc chia, tách, sáp nhập, phá sản, giải thể, đổi chủ sở hữu, bán, khoán, giao, cho thuê doanh nghiệp nhà nước. Khi đó, cá nhân kinh doanh, doanh nghiệp này phải nộp báo cáo cùng thời điểm với nộp hồ sơ quyết toán thuế.
Nếu các tổ chức, cá nhân chuyển nơi kinh doanh sang vùng/khu vực khác thì phải nộp báo cáo cùng bảng kê đi kèm cho Cơ quan Thuế tại nơi mới đó (Nếu địa điểm khác nhưng vẫn chung cơ quan thuế quản lý trực tiếp thì không cần).
>> Tải mẫu báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn
2. Khi nào thì nộp báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn?
Để tránh tình trạng nộp chậm báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn, các tổ chức, cá nhân kinh doanh cần nắm rõ thời hạn nộp báo cáo và bảng kê đi kèm theo quy định của pháp luật Việt Nam (Điều 27, Thông tư 39/2014/TT-BTC).
2.1 Nộp báo cáo theo QUÝ
Trong trường hợp nộp theo quý, các tổ chức và cá nhân kinh doanh cần biết thời hạn nộp báo cáo chậm nhất của từng quý là:
- Quý 1: Doanh nghiệp nộp chậm nhất là vào ngày 30/4.
- Quý 2: Doanh nghiệp nộp chậm nhất là vào ngày 30/7
- Quý 3: Doanh nghiệp nộp chậm nhất là vào ngày 30/10.
- Quý 4: Doanh nghiệp nộp chậm nhất là vào ngày 30/01 của năm sau.
2.2 Nộp báo cáo theo THÁNG
Trong trường hợp nộp theo tháng, ngày 20 của tháng sau tháng phát sinh việc sử dụng hóa đơn là thời hạn muộn nhất để nộp báo cáo.
Lưu ý:
Các tổ chức và cá nhân kinh doanh sẽ không phải nộp báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn nếu chưa thông báo phát hành hóa đơn.
3. Nộp chậm báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn có bị phạt không?
Như đã đề cập ở trên, nộp báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn là trách nhiệm của các tổ chức và cá nhân kinh doanh. Do đó, nếu đến hạn mà không nộp báo cáo, tổ chức và cá nhân đó sẽ phải chịu hình phạt tương ứng mức độ nghiêm trọng của hành vi vi phạm (Điều 29, Nghị định 125/2020/NĐ-CP).
> Nộp báo cáo chậm 1-5 ngày so với thời hạn
Với trường hợp này, doanh nghiệp sẽ chỉ bị phạt cảnh cáo.
> Nộp báo cáo chậm 1-10 ngày so với thời hạn
Với trường hợp này, doanh nghiệp phải nộp phạt 1.000.000 – 3.000.000 VNĐ.
> Lập sai/không đầy đủ nội dung trên báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn
Với trường hợp này, doanh nghiệp phải nộp phạt 1.000.000 – 3.000.000 VNĐ.
> Nộp báo cáo chậm 11-20 ngày so với thời hạn
Với trường hợp này, doanh nghiệp phải nộp phạt 2.000.000 – 4.000.000 VNĐ.
> Nộp báo cáo chậm 21-90 ngày so với thời hạn
Với trường hợp này, doanh nghiệp phải nộp phạt 4.000.000 – 8.000.000 VNĐ.
> Nộp báo cáo chậm hơn 90 ngày so với thời hạn
Với trường hợp này, doanh nghiệp phải nộp phạt 5.000.000 – 15.000.000 VNĐ
> Không nộp báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn
Với trường hợp này, doanh nghiệp phải nộp phạt 5.000.000 – 15.000.000 VNĐ
Qua bài viết chi tiết trên, UBot tin rằng bạn sẽ hoàn thành các kỳ báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn mà không còn gặp khó khăn, vướng mắc nữa. Theo dõi UBot ngay để cập nhật những thông tin mới nhất, bổ ích nhất xoay quanh lĩnh vực kế toán – tài chính nhé!