Đối chiếu công nợ là một trong những công việc không thể thiếu của mỗi doanh nghiệp. Trong đó, biên bản đối chiếu công nợ là căn cứ để kiểm tra quá trình thanh toán công nợ có được thực hiện đúng hay không. Nếu bạn đang thắc mắc những thông tin liên quan đến nghiệp vụ này, hãy tham khảo bài viết dưới đây nhé!
Đối chiếu công nợ là gì?
Đối chiếu công nợ là thao tác so sánh các khoản công nợ của doanh nghiệp được lưu trên sổ sách với các thông tin mà phía khách hàng/nhà cung cấp đang ghi nhận, nhằm kiểm tra tính chính xác của các nghĩa vụ công nợ mà hai bên còn cần thực hiện.
Khi đối chiếu công nợ, doanh nghiệp cần thu thập đầy đủ các chứng cứ đã được xác nhận bởi các bên liên quan nhằm làm bằng chứng về tính xác thực của các số liệu trên sổ sách là đúng thực tế.
Mục đích
- Đối với kế toán, đối chiếu công nợ giúp quản lý được tình hình thanh toán tất cả khoản nợ phải trả/phải thu của doanh nghiệp
- Khi cơ quan thuế tiến hành thanh tra, kiểm tra tại doanh nghiệp thì biên bản đối chiếu công nợ là chứng từ quan trọng để kiểm tra xem các giao dịch mua bán có được thanh toán theo đúng quy định của pháp luật không.
- Cho kế toán biết số nợ còn lại của doanh nghiệp có đúng và sát thực với tình hình hiện tại của doanh nghiệp.
>> Xem thêm: Kế toán công nợ là gì? Chi tiết công việc của kế toán công nợ
Biên bản đối chiếu công nợ là gì?
Biên bản đối chiếu công nợ là văn bản do các bên cùng ký để xác nhận khoản nợ mà một bên có nghĩa vụ trả cho bên còn lại.
Đây chính là căn cứ để kiểm tra tình hình thanh toán tiền hàng giữa bên mua và bên bán, nhất là việc thanh toán những hóa đơn giá trị gia tăng có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên có thực hiện đúng theo quy định hay không.
>> Xem thêm: Tổng hợp quy định mới về hóa đơn áp dụng từ 01/11/2021
Tải mẫu biên bản đối chiếu công nợ
Dưới đây là mẫu biên bản đối chiếu công nợ mới nhất 2021, doanh nghiệp có thể tham khảo:
>> Tải ngay: Biên bản đối chiếu công nợ 2022
Thực tế, bạn sẽ bắt gặp rất nhiều mẫu biên bản đối chiếu công nợ. Vì vậy, nội dung bắt buộc về quy chuẩn trong biên bản vẫn chưa có quy định nào. Kế toán hoàn toàn có thể soạn thảo theo đúng tình hình thực tế của mình. Tuy nhiên, trong mỗi biên bản này thường sẽ bao gồm các nội dung sau:
- Tên đầy đủ của doanh nghiệp.
- Địa chỉ, thông tin liên hệ.
- Thời gian bắt đầu lập biên bản.
- Thông tin chi tiết về hai bên Mua và bên Bán.
- Thông tin cụ thể về khoản nợ
- Kết luận sau quá trình đối chiếu công nợ
- Chữ ký pháp lý xác nhận giữa hai bên…
Giá trị pháp lý của biên bản này?
Biên bản đối chiếu công nợ cần có chữ ký, đóng dấu của cả hai bên, tức là bên có nghĩa vụ đã thừa nhận giá trị của khoản nợ. Lúc này, đây được coi là là chứng cứ có giá trị quan trọng trong việc xác định khoản nợ mà bên có nghĩa vụ phải trả cho bên có quyền.
Tuy nhiên, nếu Biên bản đối chiếu công nợ không có chữ ký và con dấu của bên có nghĩa vụ thì không thể chứng thực tại cơ quan có thẩm quyền.
Vì vậy, doanh nghiệp nên lưu ý khi lập Biên bản đối chiếu công nợ, bên có quyền phải yêu cầu bên có nghĩa vụ ký, đóng dấu xác nhận để nộp lại chứng cứ cho Tòa án trong trường hợp phát sinh tranh chấp và bên có quyền tiến hành khởi kiện.
>> Xem thêm: Tải ngay biên bản cấn trừ công nợ chuẩn nhất
Tổng kết
Trên đây là toàn bộ những chia sẻ xoay quanh biên bản đối chiếu công nợ mà kế toán cần biết. Hy vọng những thông tin này có thể giúp doanh nghiệp hiểu rõ hơn nghiệp vụ cũng như có thêm kiến thức, kỹ năng để lập được biên bản này đúng quy chuẩn, đảm bảo tính chính xác cao.