Kế toán công nợ là vị trí công việc quan trọng trong phòng kế toán của các doanh nghiệp. Bạn đang muốn thử sức mình với vị trí công việc này nhưng chưa nắm được những kiến thức chuyên môn về vị trí này. Hay bạn đang muốn tìm hiểu một công việc phù hợp với bản thân. Hãy xem ngay bài viết này để hiểu hơn về công việc của một kế toán công nợ nhé!

Kế toán công nợ là gì?

Kế toán công nợ (tên tiếng Anh: Accounting Liabilities) là vị trí kế toán có vai trò theo dõi, giám sát và giải quyết các khoản công nợ của doanh nghiệp. Đây là vị trí kế toán rất quan trọng trong mỗi doanh nghiệp.

Đối với những công ty không có kế toán công nợ riêng, việc theo dõi công nợ sẽ trở thành một phần công việc của kế toán trưởng hoặc kế toán tổng hợp.

Trong quá trình sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp thực hiện các hoạt động khác nhau. Một số hoạt động sau sẽ phát sinh công nợ có thể kể đến như:

  • Bán hàng cho khách hàng nhưng chưa thu tiền ngay mà cho khách thanh toán sau một khoảng thời gian nhất định
  • Mua hàng nhưng chưa trả ngay cho nhà cung cấp vì chưa có khả năng thanh toán hoặc sử dụng khoản tiền này vào mục đích khác
  • Khách hàng ứng trước tiền hàng để hưởng nhiều ưu đãi, chiết khấu
  • Ứng trước tiền hàng cho người bán để giữ giá mua tốt, …

Những hoạt động kinh tế trên phát sinh công nợ của doanh nghiệp. Công nợ bao gồm các khoản nợ phải thu và nợ phải trả.

Phân loại kế toán công nợ 

Công nợ phải thu

Công nợ phải thu là một loại tài sản của doanh nghiệp mà đang bị các tổ chức, cá nhân khác chiếm dụng mà kế toán công nợ cần phải thu hồi. Công việc của kế toán công nợ là theo dõi, đối chiếu từng đối tượng để kiểm soát công nợ hiệu quả. Một số khoản công nợ phải thu phổ biến là:

  • Công nợ phải thu khách hàng: xảy ra khi doanh nghiệp đã xuất hàng hóa cho khách nhưng khách hàng chưa thanh toán hoặc chỉ thanh toán một phần
  • Phải thu nội bộ, các khoản tạm ứng cho nhân viên
  • Khoản thế chấp, ký quỹ, ký cược
  • Khoản thuế GTGT đầu vào được khấu trừ, …

Công nợ phải trả

Công nợ phải trả là một bộ phận thuộc nguồn vốn của doanh nghiệp. Doanh nghiệp có nghĩa vụ phải thanh toán các khoản này cho khách hàng, nhà cung cấp hoặc nội bộ doanh nghiệp. Theo thời gian, công nợ phải trả có thể chia thành 2 loại:

  • Nợ ngắn hạn: Là khoản nợ mà doanh nghiệp phải trả trong thời gian ngắn, từ 1 năm trở xuống
  • Nợ dài hạn: Khoản nợ và các nghĩa vụ về mặt tài chính doanh nghiệp cần thực hiện thanh toán trong thời gian 1 năm trở lên, thời gian được tính từ ngày lập bảng cân đối kế toán

Kế toán công nợ có nhiệm vụ quản lý các khoản nợ phải thu và phải trả

3. Mô tả công việc của kế toán công nợ

Giống như các vị trí kế toán khác, kế toán công nợ cũng cần theo dõi các hoạt động phát sinh và hạch toán để lên được các báo cáo kế toán chính xác. Cùng với đó, kế toán công nợ thực hiện nhiệm vụ theo dõi, phân tích, đốc thúc thu hồi các khoản nợ cũng như tham mưu cho ban lãnh đạo doanh nghiệp đưa ra những quyết định đúng đắn về các khoản phải thu, phải trả.

mô tả công việc của kế toán công nợ

Để có thể kiểm soát tốt việc thu hồi các khoản nợ phải thu và thanh toán các khoản nợ phải trả, kế toán phải thực hiện các công việc hàng ngày liên quan đến quản lý công nợ. Một số công việc thông thường nhất như:

Thứ nhất, tính toán, theo dõi các khoản công nợ theo từng đối tượng và nghiệp vụ phát sinh

Một số công việc chi tiết như:

  • Kiểm tra các chứng từ, hóa đơn liên quan đến công nợ để đảm bảo tính chính xác tuyệt đối
  • Thực hiện tính toán, ghi chép, phản ánh kịp thời và chính xác các khoản phải thu phải trả
  • Lập chứng từ liên quan đến thủ tục thu/ chi
  • Phân loại và định khoản các chứng từ theo các nghiệp vụ phát sinh
  • Gửi chứng từ (các phiếu thu, phiếu chi) cho các bộ phận liên quan
  • Lập tờ khai hàng hóa mua vào thuế GTGT theo biểu mẫu
  • Lập các phiếu nộp ngân sách, ngân hàng theo yêu cầu
  • Tính số công nợ phát sinh hàng tháng và lập giấy báo thanh toán công nợ

Kế toán công nợ là người theo dõi và đốc thúc thực hiện các khoản phải thu phải trả

Thứ hai, kiểm soát việc nhắc nợ, thu nợ

Các công việc cụ thể như:

  • Nhắc nợ; đôn đốc thu hồi các khoản nợ phải thu;
  • Đưa ra các cảnh báo kịp thời về công nợ quá hạn, công nợ khó đòi;…;
  • Trích lập dự phòng các khoản công nợ quá hạn ;
  • Lên kế hoạch thanh toán công nợ đến hạn trình lên Ban lãnh đạo;
  • Thực hiện thanh toán nợ phải trả đúng hạn theo ngân sách được duyệt;

Thứ ba, lập các báo cáo thường xuyên và định kỳ về tình trạng công nợ

Các công việc cụ thể như:

  • Lập báo cáo công nợ, lập lịch thanh toán công nợ để báo cáo với lãnh đạo các khoản đến hạn
  • Đối chiếu, báo cáo về các khoản nợ chưa thu được và kiến nghị về việc xử lý các khoản nợ khó đòi
  • Tham mưu cho giám đốc về kế hoạch thanh toán; chính sách thanh toán các khoản công nợ; chính sách thu nợ; hạn mức tín dụng với từng nhóm khách hàng hoặc khách hàng,…
  • Lưu giữ chứng từ, sổ sách kế toán, báo cáo… liên quan đến kế toán công nợ.

>> Xem thêm: Bí quyết quản lý công nợ hiệu quả

Thứ tư, thực hiện các thủ tục kiểm soát

  • Giám sát và theo dõi những khoản tạm ứng trong doanh nghiệp
  • Cùng thủ quỹ đối chiếu về tồn quỹ cuối ngày và tiền mặt
  • Định kỳ làm Biên bản đối chiếu, xác nhận công nợ

4. Kỹ năng cần có của một kế toán công nợ

Để trở thành một kế toán công nợ chuyên nghiệp thì cần những kỹ năng và kiến thức sau.

Về mặt kiến thức

  • Am hiểu về chuyên môn nghiệp vụ kế toán công nợ, nằm lòng các kiến thức liên quan đến nội dung, khoản mục công nợ
  • Các kiến thức liên quan đến hóa đơn, chứng từ của hoạt động bán hàng, mua hàng, chiết khấu thanh toán, giảm giá hàng bán, hàng bán bị trả lại, khuyến mại,…
  • Các kiến thức về Thuế bao gồm: thuế GTGT; thuế tiêu thụ đặc biệt; thuế xuất, nhập khẩu…
  • Các kiến thức về Pháp luật, Hợp đồng kinh tế, các kiến thức chung về Tài chính, ngân hàng.

Về mặt kỹ năng mềm

  • Kỹ năng giao tiếp
  • Các kỹ năng tin học văn phòng, sử dụng phần mềm kế toán, phân tích dữ liệu
  • Kỹ năng lên kế hoạch, quản lý thời gian…

Trên đây là tổng hợp về những vấn đề liên quan đến kế toán công nợ, hy vọng đã giúp bạn giải đáp kế toán công nợ là gì và vai trò, nhiệm vụ của kế toán công nợ đối với doanh nghiệp.