Hướng dẫn hạch toán hàng nhập khẩu. Với các doanh nghiệp giao thương quốc tế thì hạch toán hàng nhập khẩu là một nghiệp vụ quan trọng. Kế toán cần nắm vững các nguyên tắc hạch toán với hàng nhập khẩu và các loại thuế liên quan.

Quy định chung về tỷ giá hàng nhập khẩu

Hàng nhập khẩu được mua về và đi qua thủ tục hải quan. Do đó, khi hạch toán hàng nhập khẩu cần đặc biệt chú ý đến các vấn đề về tỷ giá được sử dụng.

Theo điểm 4, Điều 2, Thông tư 26/2015/TT-BTC, doanh nghiệp phát sinh doanh thu, chi phí, giá tính thuế bằng ngoại tệ thì phải quy đổi ngoại tệ và xác định tỷ giá như sau:

  • Tỷ giá giao dịch thực tế để hạch toán doanh thu là tỷ giá mua vào của Ngân hàng thương mại nơi người nộp thuế mở tài khoản.
  • Tỷ giá giao dịch thực tế để hạch toán chi phí là tỷ giá bán ra của Ngân hàng thương mại nơi người nộp thuế mở tài khoản tại thời điểm phát sinh giao dịch thanh toán ngoại tệ.

hach-toan-hang-nhap-khau-1

Các trường hợp cụ thể được quy định tại Điều 51 Thông tư 200/2014/TT-BTC, bao gồm:

  • Khi phát sinh khoản phải trả người bán từ hoạt động nhập khẩu (bên Có tài khoản 331), kế toán sử dụng tỷ giá giao dịch thực tế tại thời điểm phát sinh (là tỷ giá bán của ngân hàng thương mại nơi thường xuyên có giao dịch). 
  • Khi thanh toán cho người bán (bên Nợ tài khoản 331), kế toán ghi theo tỷ giá ghi sổ thực tế đích danh cho từng nhà cung cấp (Trường hợp nhà cung cấp có nhiều giao dịch thì tỷ giá thực tế đích danh thì tính bình quân gia quyền di động các giao dịch của chủ nợ đó).

Lưu ý:

  • Với các khoản phải trả có gốc ngoại tệ thì cuối kỳ doanh nghiệp cần đánh giá lại, tại thời điểm lập báo cáo tài chính
  • Với doanh nghiệp phát sinh các khoản nợ phải trả theo nhiều ngoại tệ khác nhau thì cần theo dõi chi tiết theo từng loại nguyên tệ.

Hạch toán hàng nhập khẩu

Thông thường khi nhập khẩu mua hàng hóa sẽ rơi vào các trường hợp hạch toán sau:

Thanh toán trước toàn bộ tiền cho nhà cung cấp

Khi thanh toán trước hay ứng trước, kế toán viên ghi nhận:

  • Nợ TK 331 – Trị giá lô hàng, tỷ giá tính lấy theo tỷ giá giao dịch thực tế (là tỷ giá bán của ngân hàng nơi thường xuyên có giao dịch) 
  • Có TK 112

Khi nhận hàng, kế toán viên ghi nhận:

  • Nợ TK 152, 153,156, 211 – tỷ giá lấy theo tỷ giá ghi sổ tỷ giá ghi sổ thực tế đích danh, chính là tỷ giá khi thanh toán trước cho NCC
  • Có TK 331 – Trị giá lô hàng, lấy theo tỷ giá ghi sổ trước khi thanh toán

 

Ví dụ: Công ty A nhập khẩu 1 lô hàng trị giá 20.000 USD. 

  • Ngày 1/6 công ty thanh toán toàn bộ tiền hàng cho nhà cung cấp, tỷ giá bán ra của ngân hàng thương mại hôm đó là 21.000 VNĐ.
  • Ngày 6/6, hàng hóa về đến cảng

Kế toán hạch toán như sau:

Ngày 1/6:

  • Nợ TK 331: 20.000 x 21.000 = 420.000.000
  • Có TK 112: 20.000 x 21.000 = 420.000.000

Ngày 6/6: 

  • Nợ TK 156: 20.000 x 21.000 = 420.000.000
  • Có TK 331: 20.000 x 21.000 = 420.000.000

hach-toan-hang-nhap-khau-2

Thanh toán tiền hàng cho nhà cung cấp thành nhiều lần

Khi thanh toán trước lần 1, kế toán ghi nhận:

  • Nợ TK 331 – trị giá thanh toán trước, tỷ giá lấy theo tỷ giá giao dịch thực tế
  • Có TK 112 

Khi nhận được lô hàng nhập khẩu

Vì thanh toán nhiều lần tại nhiều thời điểm tỷ giá khác nhau nên sẽ hạch toán thành 2 phần:

  • Phần ứng trước cho người bán: áp dụng tỷ giá ghi sổ thực tế đích danh (tỷ giá tại thời điểm thực hiện ứng trước)
  • Phần còn lại thanh toán sau: áp dụng theo tỷ giá giao dịch thực tế tại thời điểm thanh toán

Ghi nhận giá trị lô hàng:

  • Nợ TK 152,153, 156, 211 – giá trị lô hàng
  • Có 331 – trị giá thanh toán trước + trị giá còn lại

Thực hiện thanh toán nốt phần còn lại cho người bán:

  • Nợ TK 331 – Áp dụng theo tỷ giá ghi sổ thực tế đích danh khi nhận hàng
  • Nợ 635 – Nếu xuất hiện chênh lệch lỗ tỷ giá (giữa tỷ giá thanh toán và tỷ giá nhận hàng)
  • Có TK 112 – trị giá còn lại của lô hàng, với tỷ giá lấy theo tỷ giá bán ngoại tệ của NH nơi thực hiện giao dịch thanh toán
  • Có 515 – Nếu xuất hiện chênh lệch lãi tỷ giá  (giữa tỷ giá thanh toán và tỷ giá nhận hàng)

Ví dụ: Công ty A nhập khẩu 1 lô hàng trị giá 10.000 USD thanh toán nhiều lần

Lần 1: Thanh toán trước trị giá của 2000 USD, tỷ giá bán ra của ngân hàng thương mại là: 21.000, kế toán ghi

  • Nợ TK 331 2000 x 21.000 = 84.000.000đ
  • Có TK 112 2000 x 21.000

Khi hàng về đến cảng, tỷ giá bán ra của ngân hàng là: 21.500, kế toán viên ghi nhận

  • Nợ TK 156  (2000 x 21.000) + (8000 x 21.500)
  • Có 331 (2000 x 21.000) + (8000 x 21.500)

Lần 2: công ty A thanh toán nốt số tiền còn lại, tỷ  giá bán ra của ngân hàng là: 21.800

  • Nợ TK 331 8000 x 21.500 = 172.000
  • Nợ 635 2.400
  • Có TK 112 8000 x 21.800 = 174.400

Xem thêm: Tổng hợp hạch toán Tài khoản 331 – Phải trả người bán theo TT 200

Thanh toán tất cả tiền hàng cho nhà cung cấp sau khi nhận hàng

Khi nhận hàng:

  • Nợ TK 152, 153, 156, 211 – Trị giá lô hàng áp dụng theo tỷ giá giao dịch thực tế
  • Có 331 

Khi thanh toán cho người bán

  • Nợ TK 331 – lấy theo tỷ giá ghi sổ khi nhận hàng
  • Nợ TK 635 – nếu xuất hiện chênh lệch lỗ tỷ giá (giữa tỷ giá khi nhận hàng và tỷ giá thanh toán)
  • Có TK 112 – lấy theo tỷ giá bán ngoại tệ của NH nơi thực hiện giao dịch thanh toán
  • Có TK 515 – nếu xuất hiện chênh lệch lãi tỷ giá (giữa tỷ giá khi nhận hàng và tỷ giá thanh toán)

Ví dụ: Công ty A nhập khẩu 1 lô hàng trị giá 10.000 USD thanh toán nhiều lần và thanh toán toàn bộ hàng sau khi đã nhận hàng. 

Ngày 01/06, hàng về đến cảng, tỷ giá giao dịch thực tế hôm đó là: 21.500, kế toán viên ghi nhận:

  • Nợ TK 156 10.000 x 21.500 
  • Có TK 331 10.000 x 21.500

Ngày 06/06, công ty A thanh toán toàn bộ tiền hàng cho người bán, tỷ giá bán ra của ngân hàng hôm đó là 21.000

  • Nợ TK 331 10.000 x 21.500 = 215.000.000
  • Có TK 112 10.000 x 21.000 = 210.000.000
  • Có TK 515 5.000.000

hach-toan-hang-nhap-khau-3

Hạch toán các loại thuế đối với hàng nhập khẩu

Sau khi hạch toán giá trị hàng nhập khẩu thì kế toán cần quan tâm đến hạch toán các loại thuế liên quan trên tờ khai hải quan như Thuế Nhập khẩu, thuế Tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng

Lưu ý:

  • Kế toán hạch toán dựa trên tờ khai hải quan đã được cơ quan Hải quan tính trước đó
  • Thuế phát sinh sẽ tính vào giá trị hàng nhập khẩu
  • Nếu doanh nghiệp kê khai thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ: thuế GTGT đầu vào có thể được khấu trừ
  • Nếu doanh nghiệp kê khai thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp: thuế GTGT đầu vào được tính vào giá trị hàng nhập khẩu

Xem thêm: Hạch toán điều chỉnh giảm thuế GTGT được khấu trừ – Hướng dẫn chi tiết

Kế toán hạch toán thuế (dựa trên tờ khai)

  • Nợ TK 152, 153,156, 211 
  • Có TK 3332 – Thuế tiêu thụ đặc biệt (nếu có) 
  • Có TK 3333 – Thuế xuất nhập khẩu
  • Có TK 333… (thuế khác nếu có)

Nếu được khấu trừ thuế GTGT đầu vào:

  • Nợ TK 133
  • Có TK 33312 – Thuế GTGT hàng nhập khẩu
  • Nếu thuế GTGT không được khấu trừ hoặc kê khai thuế theo phương pháp trực tiếp:
  • Nợ TK 152, 153,156, 211 
  • Có TK 33312 – Thuế GTGT hàng nhập khẩu

Khi nộp thuế

  • Nợ TK 33312, TK 3332, TK 3333, TK 33381
  • Có TK 111, TK 112

Trên đây là những kiến thức cơ bản về hạch toán hàng nhập khẩu. Đây là nghiệp vụ khó cần kế toán không ngừng học hỏi và thực hiện thường xuyên để thành thạo các nguyên tắc. Hy vọng bài viết đã cung cấp cho bạn những kiến thức hữu ích.


Giải pháp UBot đã cung cấp hơn 100+ robot ảo tự động hóa cho từng quy trình cụ thể của hơn 3000+ doanh nghiệp thuộc đa dạng các lĩnh vực với chi phí hợp lý. Nổi bật nhất trên thị trường là giải pháp UBot Invoice và UBot Meeting. Trong thời gian tới, UBot sẽ sớm cho ra mắt bộ giải pháp tự động hóa, tối ưu hóa hiệu suất doanh nghiệp như UBot ePayment, UBot Matching, UBot Statement Checking.

Quý doanh nghiệp quan tâm xin mời tham khảo và nhận tư vấn bộ giải pháp tự động hóa cho doanh nghiệp tại đây: https://ubot.vn