Căn cứ kết quả hoạt động kinh doanh sau thuế của doanh nghiệp trong năm tài chính hiện hành, kế toán hạch toán chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp. Trong bài viết này, UBot sẽ cung cấp những kiến thức cơ bản về hạch toán thuế thu nhập doanh nghiệp.
Thuế thu nhập doanh nghiệp là gì?
Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) là loại thuế trực thu đánh trên phần thu nhập sau khi trừ đi các khoản chi phí hợp lý, hợp pháp liên quan đến thu nhập của đối tượng nộp thuế.
Thuế TNDN có vai trò như sau:
- Là khoản thu của nhà nước gắn liền với hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp
- Giúp nhà nước nắm rõ và quản lý theo thực trạng kinh doanh của doanh nghiệp
- Tạo sự công bằng cho các doanh nghiệp trong việc kinh doanh
Hạch toán thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành
Là số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp tính trên thu nhập chịu thuế trong năm và thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành. Hạch toán kế toán một số giao dịch kinh tế chủ yếu như sau:
– Hàng quý, khi xác định thuế thu nhập doanh nghiệp tạm phải nộp theo quy định của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp, kế toán phản ánh số thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành tạm phải nộp vào ngân sách Nhà nước vào chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành, ghi:
- Nợ TK 8211- Chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành
- Có TK 3334 – Thuế thu nhập doanh nghiệp.
– Khi nộp thuế thu nhập doanh nghiệp vào NSNN, ghi:
- Nợ TK 3334 – Thuế thu nhập doanh nghiệp
- Có TK 111, 112, …
– Cuối năm tài chính, căn cứ vào số thuế thu nhập doanh nghiệp thực tế phải nộp theo tờ khai quyết toán thuế hoặc số thuế do cơ quan thuế thông báo phải nộp:
+ Nếu số thuế thu nhập doanh nghiệp thực tế phải nộp trong năm lớn hơn số thuế thu nhập doanh nghiệp tạm phải nộp, kế toán phản ánh bổ sung số thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành còn phải nộp, ghi:
- Nợ TK 8211- Chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành
- Có TK 3334 – Thuế thu nhập doanh nghiệp.
+ Nếu số thuế thu nhập doanh nghiệp thực tế phải nộp trong năm nhỏ hơn số thuế thu nhập doanh nghiệp tạm phải nộp, kế toán ghi giảm chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành, ghi:
- Nợ TK 3334 – Thuế thu nhập doanh nghiệp
- Có TK 8211- Chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành.
– Trường hợp phát hiện sai sót không trọng yếu của các năm trước liên quan đến thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của các năm trước, doanh nghiệp được hạch toán tăng (hoặc giảm) số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của các năm trước vào chi phí thuế thu nhập hiện hành của năm phát hiện sai sót.
+ Trường hợp thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành của các năm trước phải nộp bổ sung do phát hiện sai sót không trọng yếu của các năm trước được ghi tăng chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành của năm hiện tại, ghi:
- Nợ TK 8211 – Chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành
- Có TK 3334 – Thuế thu nhập doanh nghiệp.
+ Trường hợp số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp được ghi giảm do phát hiện sai sót không trọng yếu của các năm trước được ghi giảm chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành trong năm hiện tại, ghi:
- Nợ TK 3334 – Thuế thu nhập doanh nghiệp
- Có TK 8211 – Chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành.
– Cuối kỳ kế toán, kết chuyển chi phí thuế thu nhập hiện hành, ghi:
+ Nếu TK 8211 có số phát sinh Nợ lớn hơn số phát sinh Có thì số chênh lệch, ghi:
- Nợ TK 911 – Xác định kết quả kinh doanh
- Có TK 8211- Chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành.
+ Nếu TK 8211 có số phát sinh Nợ nhỏ hơn số phát sinh Có thì số chênh lệch, ghi:
- Nợ TK 8211- Chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành
- Có TK 911 – Xác định kết quả kinh doanh.
Xem thêm: Hạch toán điều chỉnh giảm thuế GTGT được khấu trừ – Hướng dẫn chi tiết
Hạch toán thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại
Là số thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ phải nộp trong tương lai phát sinh từ việc:
- Ghi nhận thuế thu nhập hoãn lại phải trả trong năm;
- Hoàn nhập tài sản thuế thu nhập hoãn lại đã được ghi nhận từ các năm trước.
Hạch toán kế toán một số giao dịch kinh tế chủ yếu
– Chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại phát sinh trong năm từ việc ghi nhận thuế thu nhập hoãn lại phải trả (là số chênh lệch giữa thuế thu nhập hoãn lại phải trả phát sinh trong năm lớn hơn thuế thu nhập hoãn lại phải trả được hoàn nhập trong năm), ghi:
- Nợ TK 8212 – Chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại
- Có TK 347 – Thuế thu nhập hoãn lại phải trả.
– Chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại phát sinh trong năm từ việc hoàn nhập tài sản thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại đã ghi nhận từ các năm trước (là số chênh lệch giữa tài sản thuế thu nhập hoãn lại được hoàn nhập trong năm lớn hơn tài sản thuế thu nhập hoãn lại phát sinh trong năm), ghi:
- Nợ TK 8212 – Chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại
- Có TK 243 – Tài sản thuế thu nhập hoãn lại.
– Ghi giảm chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại (số chênh lệch giữa tài sản thuế thu nhập hoãn lại phát sinh trong năm lớn hơn tài sản thuế thu nhập hoãn lại được hoàn nhập trong năm), ghi:
- Nợ TK 243 – Tài sản thuế thu nhập hoãn lại
- Có TK 8212 – Chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại.
– Ghi giảm chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại (số chênh lệch giữa thuế thu nhập hoãn lại phải trả được hoàn nhập trong năm lớn hơn thuế thu nhập hoãn lại phải trả phát sinh trong năm), ghi:
- Nợ TK 347 – Thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại phải trả
- Có TK 8212 – Chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại.
– Cuối kỳ kế toán, kết chuyển số chênh lệch giữa số phát sinh bên Nợ và số phát sinh bên Có TK 8212 – Chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại:
+ Nếu TK 8212 có số phát sinh Nợ lớn hơn số phát sinh Có, thì số chênh lệch ghi:
- Nợ TK 911 – Xác định kết quả kinh doanh
- Có TK 8212 – Chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại.
+ Nếu TK 8212 có số phát sinh Nợ nhỏ hơn số phát sinh Có, thì số chênh lệch ghi:
- Nợ TK 8212 – Chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại
- Có TK 911 – Xác định kết quả kinh doanh.
Trên đây, UBot đã hướng dẫn tổng quan cách hạch toán thuế thu nhập doanh nghiệp. Mong rằng bài viết hữu ích với công việc kế toán của bạn.
Giải pháp UBot đã cung cấp hơn 100+ robot ảo tự động hóa cho từng quy trình cụ thể của hơn 3000+ doanh nghiệp thuộc đa dạng các lĩnh vực với chi phí hợp lý. Nổi bật nhất trên thị trường là giải pháp UBot Invoice và UBot Meeting. Trong thời gian tới, UBot sẽ sớm cho ra mắt bộ giải pháp tự động hóa, tối ưu hóa hiệu suất doanh nghiệp như UBot ePayment, UBot Matching, UBot Statement Checking.
Quý doanh nghiệp quan tâm xin mời tham khảo và nhận tư vấn bộ giải pháp tự động hóa cho doanh nghiệp tại đây: https://ubot.vn