1. Nguyên tắc thận trọng là gì (Prudence concept)

Đây là 1 trong 7 các nguyên tắc trong kế toán mà mỗi kế toán cần lưu ý. Thận trọng cũng là một đức tính cần có, từ đó giúp kế toán có những nhận định đúng đắn, dự toán chuẩn xác các vấn đề trong tương lai để có kế hoạch cụ thể khi không có sự chắc chắn trong tương lai.

Thận trọng thể hiện ở việc kế toán cần cân nhắc kỹ lưỡng khi trích lập các khoản dự phòng. Thận trọng khi đánh giá giá trị tài sản không quá cao và không đánh giá thấp hơn các khoản chi phí của doanh nghiệp cũng như trích lập dự phòng quá nhiều.

Thận trọng khi ghi nhận doanh thu, thu nhập, cần có sự phân tích kỹ lưỡng, dự toán dựa vào những tác động chủ quan và khách quan để có con số gần với thực tế nhất đồng thời tính toán chi phí phát sinh cũng tương tự, cần có sự thận trọng trước khi ghi nhận chi phí.

Nguyên tắc thận trọng giúp doanh nghiệp có khả năng đứng vững trên thương trường, không bị lung lay bởi các tác động và hạn chế rủi ro về tài chính.

Ví dụ về nguyên tắc thận trọng, giống như việc đề phòng trước những tình huống xấu xảy ra. Doanh nghiệp xuất bán được lô túi xách vừa gia công có giá trị 15 triệu đồng, để đề phòng tình huống lô hàng bị trả lại do lỗi hay nguyên nhân khách quan nào đó, kế toán cần trích lập một khoản dự phòng bằng với giá trị lô hàng đó.

2. Áp dụng nguyên tắc thận trọng trong hạch toán 

2.1. Nguyên tắc kế toán các khoản nợ phải trả theo Thông tư 200

Theo Điều 50, Thông tư 200/2014/TT-BTC quy định: “Khi có các bằng chứng cho thấy một khoản tổn thất có khả năng chắc chắn xảy ra, kế toán phải ghi nhận ngay một khoản phải trả theo nguyên tắc thận trọng.”

2.2. Nguyên tắc kế toán các khoản doanh thu theo Thông tư 200

Theo Điều 78, Thông tư 200/2014/TT-BTC quy định: “Doanh thu và chi phí tạo ra khoản doanh thu đó phải được ghi nhận đồng thời theo nguyên tắc phù hợp. Tuy nhiên trong một số trường hợp, nguyên tắc phù hợp có thể xung đột với nguyên tắc thận trọng trong kế toán, thì kế toán phải căn cứ vào chất bản chất và các Chuẩn mực kế toán để phản ánh giao dịch một cách trung thực, hợp lý.”

Trong những trường hợp xảy ra xung đột giữa nguyên tắc thận trọng và nguyên tắc phù hợp, kế toán nên sử dụng bản chất các chuẩn mực kế toán và kinh nghiệm để lựa chọn phương án thích hợp như sau:

  • Kế toán cần hiểu rõ và phân loại các giao dịch trên hợp đồng kinh tế để ghi nhận doanh thu theo đúng chuẩn mực;
  • Ghi nhận doanh thu phải căn cứ vào bản chất của giao dịch, thay vì chỉ dựa trên tên gọi, và cần phân bổ theo nghĩa vụ cung ứng hàng hóa, dịch vụ.

2.3. Nguyên tắc kế toán các khoản chi phí theo Thông tư 200

Tương tự với doanh thu, nguyên tắc thận trọng cũng được áp dụng khi ghi nhận các khoản chi phí. Theo Điều 82, Thông tư 200/2014/TT-BTC quy định: “Việc ghi nhận chi phí ngay cả khi chưa đến kỳ hạn thanh toán nhưng có khả năng chắc chắn sẽ phát sinh nhằm đảm bảo nguyên tắc thận trọng và bảo toàn vốn. Chi phí và khoản doanh thu do nó tạo ra phải được ghi nhận đồng thời theo nguyên tắc phù hợp. Tuy nhiên trong một số trường hợp, nguyên tắc phù hợp có thể xung đột với nguyên tắc thận trọng trong kế toán, thì kế toán phải căn cứ vào bản chất và các Chuẩn mực kế toán để phản ánh giao dịch một cách trung thực, hợp lý.”

2.4. Nguyên tắc lập và trình bày Báo cáo tài chính của doanh nghiệp đáp ứng giả định hoạt động liên tục theo Thông tư 200

Theo Điều 102, Thông tư 200/2014/TT-BTC quy định: “Các khoản mục doanh thu, thu nhập, chi phí phải được trình bày theo nguyên tắc phù hợp và đảm bảo nguyên tắc thận trọng. Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh và báo cáo lưu chuyển tiền tệ phản ánh các khoản mục doanh thu, thu nhập, chi phí và luồng tiền của kỳ báo cáo. Các khoản doanh thu, thu nhập, chi phí của các kỳ trước có sai sót làm ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh và lưu chuyển tiền phải được điều chỉnh hồi tố, không điều chỉnh vào kỳ báo cáo.”

3. Phân loại nguyên tắc thận trọng

Beaver và Ryan (2005), trong “Conditional and Unconditional Conservatism: Concepts and Modeling” (Nguyên tắc thận trọng có điều kiện và vô điều kiện: Khái niệm và mô hình hóa) phân loại việc thực hiện nguyên tắc thận trọng kế toán theo hai trường hợp là:

  • Thận trọng có điều kiện
  • Thận trọng không có điều kiện.

3.1. Nguyên tắc thận trọng có điều kiện 

Nguyên tắc thận trọng có điều kiện xảy ra khi các thông tin kinh tế tiêu cực có ảnh hưởng tới lợi nhuận được ghi nhận nhanh hơn các thông tin kinh tế tích cực. Các thông tin kinh tế tiêu cực và tích cực có thời điểm và điều kiện ghi nhận vào báo cáo tài chính không giống nhau.

Chuẩn mực kế toán Việt Nam số 01 cũng thể hiện điều này. Các ví dụ về nguyên tắc thận trọng có điều kiện bao gồm: Kế toán được phép trích lập các khoản dự phòng tổn thất tài sản (giảm giá hàng tồn kho, đầu tư tài chính, nợ phải thu khó đòi) theo các quy định; Đánh giá lại nguyên giá tài sản cố định…

3.2. Nguyên tắc thận trọng vô điều kiện 

Nguyên tắc thận trọng vô điều kiện xảy ra khi doanh nghiệp thực hiện việc ghi nhận một cách nhất quán giá trị tài sản thấp hơn giá trị kế toán ròng.

Khác với nguyên tắc thận trọng có điều kiện, nguyên tắc thận trọng vô điều kiện không phụ thuộc vào các sự kiện tin tức kinh tế. Khi đó doanh nghiệp căn cứ vào tình hình thực tế để ghi nhận vào chi phí các trường hợp cụ thể.

Các ví dụ về nguyên tắc thận trọng vô điều kiện bao gồm phương pháp khấu hao nhanh, chi phí nghiên cứu và phát triển, các khoản trích trước (trích trước chi phí sửa chữa, chi phí bảo hành, …)