Thuế là khoản trích nộp bằng tiền, có tính chất xác định và không hoàn trả cho người nộp thuế nhằm bù đắp các khoản chi tiêu của Nhà nước. Trong đó, thuế GTGT là một trong những sắc thuế quan trọng. Bên cạnh nghĩa vụ nộp thuế đúng thời hạn quy định với các đối tượng chịu thuế GTGT, có những trường hợp sẽ được miễn thuế giá trị gia tăng, không chịu thuế GTGT hoặc thuế GTGT 0%.
1. Miễn thuế giá trị gia tăng
1.1. Khái niệm miễn thuế giá trị gia tăng
Miễn thuế giá trị gia tăng (GTGT) là các trường hợp không áp dụng nghĩa vụ phải nộp thuế GTGT đối với các đối tượng nộp thuế do thỏa mãn các điều kiện được pháp luật quy định.
1.2. Đặc điểm của miễn thuế GTGT
- Đối tượng được miễn thuế là tổ chức và cá nhân có nghĩa vụ nộp nhưng vì lý do khách quan nào đó sẽ được miễn thuế theo quy định
- Đối tượng nộp thuế được khấu trừ và hoàn thuế GTGT đầu vào cho hàng hóa và dịch vụ được miễn thuế
- Doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh khác phải kê khai thuế GTGT vì vẫn thuộc đối tượng chịu thuế GTGT
1.3. Ý nghĩa của miễn thuế GTGT
Việc thực hiện miễn thuế GTGT cho các đối tượng được miễn thuế theo quy định của pháp luật đã khuyến khích các doanh nghiệp xuất khẩu đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa và các dịch vụ ra nước ngoài. Đồng thời, miễn thuế GTGT cũng hạ giá thành các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ để tăng khả năng cạnh tranh ở trong và ngoài nước và tạo ra công bằng trong việc thu thuế.
2. Thuế suất GTGT 0%
2.1. Khái niệm thuế suất GTGT 0%
Thuế suất 0% là loại thuế được áp dụng đối với các hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu; hoạt động xây dựng, lắp đặt công trình của doanh nghiệp chế xuất, hàng bán cho cửa hàng bán hàng miễn thuế; vận tải quốc tế; các loại hàng hóa và dịch vụ thuộc diện không chịu thuế GTGT khi xuất khẩu trừ một số trường hợp khác
2.2. Đối tượng hưởng thuế GTGT 0%
Theo quy định tại Điều 9 Thông tư 219/2013/TT-BTC, thuế suất 0% được áp dụng đối với các đối tượng dưới đây:
- Hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu; hoạt động xây dựng, lắp đặt công trình ở nước ngoài và ở trong khu phi thuế quan; vận tải quốc tế, hàng hóa, dịch vụ thuộc diện không chịu thuế GTGT khi xuất khẩu, trừ các trường hợp không áp dụng mức thuế suất 0% đã được quy định
- Hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu là hàng hóa, dịch vụ được bán, cung ứng cho tổ chức, cá nhân ở nước ngoài và tiêu dùng ở ngoài Việt Nam; bán và cung ứng cho các tổ chức, cá nhân trong khu phi thuế quan; hàng hóa, dịch vụ cung cấp cho khách hàng người nước ngoài theo quy định của pháp luật
a) Hàng hóa xuất khẩu bao gồm:
- Hàng hóa xuất khẩu ra nước ngoài, kể cả ủy thác xuất khẩu;
- Hàng hóa bán vào khu phi thuế quan theo quy định của Thủ tướng Chính phủ; hàng bán cho cửa hàng miễn thuế;
- Hàng hóa bán mà điểm giao, nhận hàng hóa ở ngoài Việt Nam;
- Phụ tùng, vật tư thay thế để sửa chữa, bảo dưỡng phương tiện, máy móc thiết bị cho bên nước ngoài và tiêu dùng ở ngoài Việt Nam;
- Các trường hợp được coi là xuất khẩu theo quy định của pháp luật:
- Hàng hóa gia công chuyển tiếp theo quy định của pháp luật thương mại về hoạt động mua, bán hàng hóa quốc tế và các hoạt động đại lý mua, bán, gia công hàng hóa với nước ngoài.
- Hàng hóa xuất khẩu tại chỗ theo quy định của pháp luật.
- Hàng hóa xuất khẩu để bán tại hội chợ, triển lãm ở nước ngoài.
b) Dịch vụ xuất khẩu bao gồm dịch vụ cung ứng trực tiếp cho tổ chức, cá nhân ở nước ngoài và tiêu dùng ở ngoài Việt Nam; cung ứng trực tiếp cho tổ chức, cá nhân ở trong khu phi thuế quan và tiêu dùng trong khu phi thuế quan.
c) Vận tải quốc tế quy định tại khoản này bao gồm vận tải hành khách, hành lý, hàng hóa theo chặng quốc tế từ Việt Nam ra nước ngoài hoặc từ nước ngoài đến Việt Nam, hoặc cả điểm đi và đến ở nước ngoài, không phân biệt có phương tiện trực tiếp vận tải hay không có phương tiện. Trường hợp, hợp đồng vận tải quốc tế bao gồm cả chặng vận tải nội địa thì vận tải quốc tế bao gồm cả chặng nội địa.
d) Dịch vụ của ngành hàng không, hàng hải cung cấp trực tiếp cho tổ chức ở nước ngoài hoặc thông qua đại lý, bao gồm:
Các dịch vụ của ngành hàng không áp dụng thuế suất 0%: Dịch vụ cung cấp suất ăn hàng không; dịch vụ cất hạ cánh tàu bay; dịch vụ sân đậu tàu bay; dịch vụ an ninh bảo vệ tàu bay; soi chiếu an ninh hành khách, hành lý và hàng hóa; dịch vụ băng chuyền hành lý tại nhà ga; dịch vụ phục vụ kỹ thuật thương mại mặt đất; dịch vụ bảo vệ tàu bay; dịch vụ kéo đẩy tàu bay; dịch vụ dẫn tàu bay; dịch vụ thuê cầu dẫn khách lên, xuống máy bay; dịch vụ điều hành bay đi, đến; dịch vụ vận chuyển tổ lái, tiếp viên và hành khách trong khu vực sân đậu tàu bay; chất xếp, kiểm đếm hàng hóa; dịch vụ phục vụ hành khách đi chuyến bay quốc tế từ cảng hàng không Việt Nam
Các dịch vụ của ngành hàng hải áp dụng thuế suất 0%: Dịch vụ lai dắt tàu biển; hoa tiêu hàng hải; cứu hộ hàng hải; cầu cảng, bến phao; bốc xếp; buộc cởi dây; đóng mở nắp hầm hàng; vệ sinh hầm tàu; kiểm đếm, giao nhận; đăng kiểm.
đ) Các hàng hóa, dịch vụ khác:
- Hoạt động xây dựng, lắp đặt công trình ở nước ngoài hoặc ở trong khu phi thuế quan;
- Hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT khi xuất khẩu, trừ các trường hợp không áp dụng mức thuế suất 0% hướng dẫn tại khoản 3 Điều này;
- Dịch vụ sửa chữa tàu bay, tàu biển cung cấp cho tổ chức, cá nhân nước ngoài.
2.3. Đặc điểm của thuế GTGT 0%
- Với thuế GTGT 0%, các đối tượng vẫn thuộc diện chịu thuế GTGT nhưng được hưởng mức thuế suất ưu đãi 0%
- Các đối tượng nộp thuế vẫn phải thực hiện kê khai thuế bình thường vì vẫn thuộc đối tượng chịu thuế
- Các doanh nghiệp kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế 0% được khấu trừ và hoàn thuế GTGT đầu vào theo quy định
2.4. Ý nghĩa của thuế GTGT 0%
Thuế GTGT 0% khuyến khích các doanh nghiệp đẩy mạnh tiêu thụ các loại hàng hóa, dịch vụ ra nước ngoài và có khả năng tạo ra công bằng trong việc thu thu thuế. Từ đó góp phần thúc đẩy các doanh nghiệp cải tiến quản lý và nâng cao năng suất lao động.
3. Đối tượng không chịu thuế GTGT
3.1. Đối tượng không chịu thuế GTGT
Theo Điều 4 Thông tư 219/2013/TT-BTC đối tượng không chịu thuế GTGT gồm:
- Sản phẩm trồng trọt (bao gồm cả sản phẩm rừng trồng), chăn nuôi, thủy sản, hải sản nuôi trồng, đánh bắt chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ sơ chế thông thường của tổ chức, cá nhân tự sản xuất, đánh bắt bán ra và ở khâu nhập khẩu
- Sản phẩm giống vật nuôi cây trồng
- Sản phẩm muối tạo ra từ muối biển, muối mỏ
- Sản phẩm là hệ thống kênh mương phục vụ sản xuất nông nghiệp
- Nhà ở thuộc quyền sở hữu nhà nước do Nhà nước bán cho người đang thuê
- Chuyển quyền sử dụng đất
- Các loại bảo hiểm: bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm vật nuôi…
- Các dịch vụ tài chính, ngân hàng, kinh doanh chứng khoán
3.2. Đặc điểm của đối tượng không chịu thuế GTGT
- Là các đối tượng không phải đối tượng chịu thuế
- Không được khấu trừ và hoàn thuế GTGT đầu vào nên phải tính vào nguyên giá của hàng hóa dịch vụ hoặc chi phí kinh doanh
- Vì không phải là đối tượng chịu thuế nên các doanh nghiệp và cơ sở kinh doanh các hàng hóa, dịch vụ không phải thực hiện kê khai thuế GTGT
3.3. Ý nghĩa của đối tượng không chịu thuế GTGT
Với các đối tượng không chịu thuế GTGT theo quy định của pháp luật sẽ khuyến khích doanh nghiệp phát triển các lĩnh vực thiết yếu trong nước và từ đó góp phần tăng năng suất lao động, hạ giá thành để cạnh tranh thuận lợi