Các khoản phải thu là gì, gồm những khoản nào? Khi làm kế toán, chúng ta thường được nghe về các khái niệm khoản phải thu ngắn hạn và dài hạn. Vậy những khoản mục này được xác định như thế nào? Xem ngay bài viết để tìm hiểu rõ.

Các khoản phải thu là gì?

Trong kế toán, các khoản phải thu là một loại tài sản của doanh nghiệp.

Các khoản phải thu là tất cả các khoản nợ cần thu hồi, các nghiệp vụ kinh tế với khách hàng, nhà cung cấp, nội bộ mà bên nợ chưa thanh toán cho doanh nghiệp.

Ví dụ về các khoản phải thu

  • Một công ty nước sạch gửi hóa đơn cần thanh toán cho khách hàng của mình. Khách hàng chưa thanh toán sẽ là những khoản phải thu.
  • Khách hàng mua hàng theo hình thức tín dụng, các khoản phải trả sau một thời gian nhất định
  • Hàng hóa bị lỗi cần trả lại người bán nhưng doanh nghiệp chưa nhận lại được số tiền đã thanh toán

Các khoản phải thu thuộc tài sản của doanh nghiệp

các khoản phải thu thuộc tài sản

Phân loại theo đối tượng thu

Theo đối tượng thu, có thể phân loại các khoản phải thu thành các nhóm như sau:

Các khoản phải thu khách hàng: Đây là các khoản phải thu phát sinh từ các hoạt động mua bán của doanh nghiệp với khách hàng. Khi có hoạt động thương mại, khách hàng có thể thanh toán một phần hoặc chưa thanh toán nên tạo ra các khoản nợ. Các khoản phải thu khách hàng như: phải thu cho các khoản bán hàng, bán dịch vụ; thanh lý nhượng bán tài sản; các khoản đầu tư tài chính, …

Các khoản phải thu nội bộ: khi doanh nghiệp có đơn vị cấp dưới trực thuộc nhưng không có tư cách pháp nhân, hạch toán phụ thuộc thì các khoản phải thu là các khoản nợ phát sinh giữa các đơn vị trên.

Các khoản phải thu khác: bao gồm các khoản phải thu không phát sinh từ các giao dịch mua – bán như:

  • Các khoản phải thu tạo ra doanh thu hoạt động tài chính, như: lãi cho vay, tiền gửi, cổ tức và lợi nhuận được chia;
  • Các khoản chi hộ bên thứ ba được quyền nhận lại; Các khoản bên nhận ủy thác xuất khẩu phải thu hộ cho bên giao ủy thác;
  • Các khoản cho mượn tài sản, phải thu về tiền phạt, bồi thường, tài sản thiếu chờ xử lý…

các khoản phải thu AR

Phân biệt các khoản phải thu theo thời hạn

Theo thời hạn thu, các khoản phải thu được phân loại thành khoản phải thu ngắn hạn và khoản phải thu dài hạn.

Các khoản phải thu ngắn hạn 

Các khoản nợ cần thu hồi của doanh nghiệp có thời hạn không quá 12 tháng, hoặc nằm trong một chu kỳ kinh doanh thông thường tại thời điểm báo cáo, được gọi là các khoản phải thu ngắn hạn.

Các khoản phải thu ngắn hạn bao gồm:

+ Phải thu ngắn hạn của khách hàng

+ Trả trước cho người bán ngắn hạn 

+ Phải thu nội bộ ngắn hạn

+ Phải thu theo tiến độ kế hoạch hợp đồng xây dựng

+ Phải thu về cho vay ngắn hạn 

+ Phải thu ngắn hạn khác

+ Dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi

+ Tài sản thiếu chờ xử lý 

Các khoản phải thu dài hạn

Các khoản cần thu hồi có thời hạn trên 12 tháng hoặc lớn hơn một chu kỳ sản xuất, kỳ kinh doanh tại thời điểm báo cáo được gọi là các khoản phải thu dài hạn.

Các khoản phải thu dài hạn bao gồm: 

+ Phải thu dài hạn của khách hàng 

+ Trả trước cho người bán dài hạn

+ Vốn kinh doanh ở đơn vị trực thuộc

+ Phải thu nội bộ dài hạn 

+ Phải thu về cho vay dài hạn 

+ Phải thu dài hạn khác

+ Dự phòng phải thu dài hạn khó đòi 

Như vậy để phân biệt được phải thu ngắn hạn và phải thu dài hạn ta cần căn cứ vào kỳ hạn thu hồi còn lại với mốc thời gian là 12 tháng hoặc một chu kỳ sản xuất, kinh doanh.

Kế toán căn cứ vào kỳ hạn để kiểm soát tốt các khoản phải thu

3. Nguyên tắc kế toán

Các khoản phải thu thường được theo dõi bởi kế toán công nợ, nằm trên các tài khoản như: TK 131 (Phải thu khách hàng), TK 141 (Phải thu nội bộ), TK 138 (Phải thu khác)….

Công tác kế toán các khoản phải thu cần đảm bảo nguyên tắc sau:

  • Theo dõi chi tiết: Để kiểm soát tốt thời hạn các khoản phải thu thì cần phân chia theo kỳ hạn, đối tượng phải thu, loại nguyên tệ phải thu, … hoặc yếu tố khác theo nhu cầu quản lý của doanh nghiệp.
  • Phân loại theo kỳ hạn: Kế toán căn cứ vào kỳ hạn của các khoản phải thu để phân loại chính xác đâu là phải thu ngắn hạn, đâu là phải thu dài hạn trên báo cáo tài chính. Xem chi tiết quy định tại thông tư 200/2014/TT-BTC
  • Đánh giá lại các khoản phải thu: vào mỗi cuối kỳ, cần xác định lại các khoản phải thu có nguồn gốc ngoại tệ để đánh giá lại khi lập báo cáo tài chính.

4. Vai trò của các khoản phải thu

Các khoản phải thu phát sinh khi mà doanh nghiệp cho các bên liên quan nợ tiền và thanh toán sau một khoảng thời gian nhất định. Điều này có thể mang lại cho doanh nghiệp các mối quan hệ bền chặt trong kinh doanh. Tuy bị đơn vị khác chiếm dụng vốn nhưng doanh nghiệp lại mang về nhiều cơ hội kinh doanh khác.

Khi phân tích hoạt động kinh doanh, các khoản nợ phải thu luôn được quan tâm. Đây là loại tài sản lưu động, bị chiếm dụng nên ảnh hưởng lớn đến tính thanh khoản của doanh nghiệp. Nếu không thu hồi kịp thời, doanh nghiệp sẽ không có khả năng trang trải các nghĩa vụ khác.

Khi phân tích báo cáo tài chính, các nhà kinh tế sẽ đánh giá số vòng quay các khoản phải thu hoặc thời gian thu hồi các khoản phải thu ngắn hạn và dài hạn. Từ đó cho thấy số lượng hàng hóa được bán ra và khoản lợi nhuận thu vào là bao nhiêu cũng như đo lường việc thu hồi nợ có hiệu quả hay không.

Trên đây là những kiến thức về các khoản phải thu của doanh nghiệp. Khi làm kế toán, cần nắm vững những kiến thức về từng loại khoản phải thu để có kế hoạch kiểm soát, thu hồi và hạch toán thống kê hiệu quả.