PPE là gì?
PPE còn được gọi là tài sản cố định của doanh nghiệp. Đây là một loại tài sản chính thuộc phần tài sản dài hạn của các công ty hiện nay. Và trong bảng cân đối kế toán, các công ty sẽ thấy được tài sản cố định PPE được chia lam hai dạng chính gồm:
- Intangible assets – tài sản cố định vô hình: Phần mềm máy tính, sáng chế khoa học, công thức sản xuất …..
- Property, plant, equipment – tài sản cố định hữu hình: tài sản nhà cửa, máy móc, đất đai, thiết bị…..
Trong các bảng cân đối, các dạng tài sản cố định đóng vai trò quan trọng trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Những dạng tài sản này thường có giá trị lớn từ 30 triệu và có thời gian sử dụng từ 1 năm trở lên.
Chuẩn mực IAS 16: Đất đai, nhà xưởng và thiết bị (PPE – Property, Plant, Equipment)
Trong các tài sản dài hạn hữu hình (Tangible non-current assets) của doanh nghiệp sản xuất, PPE chiếm một tỷ trọng lớn về mặt giá trị. Vì thế, chúng ta sẽ ưu tiên nói đến PPE khi đề cập đến tài sản dài hạn hữu hình.
Định nghĩa
Theo IAS 16, Đất đai, nhà xưởng và thiết bị là tài sản hữu hình (tangible assets) đáp ứng đủ 2 tiêu chuẩn:
- Được sở hữu bởi doanh nghiệp, phục vụ cho sản xuất, cung cấp sản phẩm dịch vụ, để cho thuê hoặc phục vụ cho công việc quản lý
- Ước tính thời gian sử dụng nhiều hơn 1 kỳ kế toán
PPE có thể được hình thành từ việc mua từ người bán, xây dựng nội bộ hoặc qua trao đổi. PPE còn được gọi là tài sản cố định (fixed assets) trong doanh nghiệp, và được trình bày trong mục Tài sản dài hạn trên Bảng cân đối kế toán.
Tiêu chuẩn ghi nhận PPE
Kế toán ghi nhận PPE nếu tài sản đó thỏa mãn:
- Có thể thu được lợi ích kinh tế
- Chi phí của tài sản có thể xác định một cách đáng tin cậy
Ngoài ra, tài sản cũng phải thỏa mãn các yêu cầu cụ thể về mức giá trị do doanh nghiệp quy định.
Ghi nhận ban đầu (Initial Measurement)
Nguyên giá của PPE được ghi nhận bao gồm tât cả chi phí cần thiết để đưa tài sản vào trạng thái sẵn sàng hoạt động. Các chi phí cần thiết bao gồm các khoản dưới đây:
- Giá mua trên hóa đơn (sau khi trừ đi chiếu khấu thương mại và các khoản giảm giá)
- Chi phí chuẩn bị địa điểm
- Chi phí vận chuyển
- Chi phí lắp đặt
- Chi phí thuê chuyên gia
- Chi phí chạy thử sau khi trừ tiền thu được từ việc bán sản phẩm tạo ra khi chạy thử
- Chi phí nhân viên phát sinh trực tiếp
- Chi phí ước tính cho việc tháo dỡ tài sản và phục hồi địa điểm về nguyên trạng
Nguyên giá của PPE không bao gồm:
- Hao hụt vượt định mức (hỏng hóc, mất…) trong quá trình hình thành và nâng cấp tài sản
- Chi phí quản lý và chi phí sản xuất chung
- Chi phí lắp đặt và chi phí trước vận hành
- Chi phí vận hành ban đầu trước khi tài sản đạt tới hiệu suất yêu cầu
- Chi phí đào tạo nhân viên sử dụng tài sản
- Hợp đồng bảo dưỡng đã trả cho tài sản
Đánh giá lại giá trị PPE (PPE Revaluation)
Theo phương pháp đánh giá lại giá trị (Revaluatuon model), việc đánh giá lại tài sản phải được tiến hành thường xuyên, nhằm để giá trị ghi sổ (carrying amount) của một tài sản không khác biệt một cách trọng yếu so với giá trị hợp lý (fair value) trên Bảng cân đối kế toán.
Nguyên tắc chung:
- Khi một tài sản được đánh giá lại giá trị, các tài sản cùng loại trong PPE cũng phải được đánh giá lại
- Việc đánh giá lại tài sản phải được dựa trên giá trị hợp lý – dựa trên giá trị thay thế hoặc chỉ số định giá chuyên nghiệp
- Khi có một tài sản được đánh giá lại, phải thường xuyên cập nhật việc đánh giá lại này để đảm bảo rằng giá trị trên sổ sách (carrying value) xấp xỉ giá trị hợp lý (fair value) tại ngày lập Báo cáo Tài chính.
Có hai trường hợp khi doanh nghiệp đánh giá lại PPE: Đánh giá lại tăng giá trị và đánh giá lại giảm giá trị.
Đánh giá lại làm tăng giá trị tài sản(Upward Revaluation):
Các bước ghi nhận:
- Điều chỉnh Giá trị hợp lý cũ thành Giá trị hợp lý mới
- Xóa sổ khấu hao lũy kế
- Hoàn nhập những khoản lỗ (nếu có) phát sinh từ các khoản đánh giá lại giảm giá trị trước đó
- Ghi nhận khoản chênh lệch tăng giá trị tài sản vào tài khoản Thặng dư đánh giá lại tài sản (Revaluation Surplus)
Đánh giá lại làm giảm giá trị tài sản (Downward Revaluation):
Các bước ghi nhận:
- Điều chỉnh Giá trị hợp lý cũ thành Giá trị hợp lý mới
- Xóa sổ khấu hao lũy kế
- Hoàn nhập những khoản thu được (nếu có) phát sinh từ các khoản đánh giá lại tăng giá trị trước đó
- Ghi nhận khoản chênh lệch giảm giá trị tài sản lên Báo cáo Thu nhập (Income Statement)
Thanh lý Tài sản dài hạn (Non-current assets disposal)
Trong doanh nghiệp, tài sản dài hạn được thanh lý khi hết thời gian sử dụng hữu ích, hoặc cần phải được thay thế để mua tài sản mới có hiệu quả cao hơn. Khi thanh lý, doanh nghiệp sẽ phát sinh khoản lãi hoặc lỗ tùy thuộc vào giá trị thu hồi được và giá trị trên sổ sách của tài sản đó:
- Giá trị thu hồi được > Giá trị trên sổ sách (NBV): Doanh nghiệp có lãi
- Giá trị thu hồi được < Giá trị trên sổ sách (NBV): Doanh nghiệp chịu lỗ
Lợi nhuận thu được từ việc thanh lý tài sản dài hạn được trình bày trên Báo cáo Thu nhập (Income Statement) trong phần Thu nhập khác.
Lỗ từ việc thanh lý tài sản dài hạn được trình bày trong phần Chi phí trên Báo cáo Thu nhập (Income Statement).
Bút toán ghi nhận:
Kế toán ghi nhận đồng thời 3 bút toán khi thanh lý:
- Xóa sổ tài sản
Nợ Thanh lý tài sản dài hạn (Disposal of non-current asset)
Có Tài sản dài hạn tại nguyên giá (Non-current asset at cost)
- Xóa sổ Hao mòn lũy kế
Nợ Khấu hao lũy kế (Accumulated depreciation)
Có Thanh lý tài sản dài hạn tại giá trị của khấu hao tại ngày thanh lý (Disposal of non-current asset with the accumulated depreciation on the asset á at the date of sale)
- Ghi nhận tiền thu được từ thanh lý
Nợ Phải thu khách hàng/Tiền
Có Thanh lý tài sản dài hạn tại giá bán (Disposal of non-current asset at price)
Trình bày Tài sản dài hạn (Disclosure of non-current assets)
IAS 16 yêu cầu đối chiếu giữa giá trị ghi sổ đầu kỳ và cuối kỳ của tài sản dài hạn trước khi được trình bày trên báo cáo tài chính.
Việc đối chiếu cần phải trình bày sự dịch chuyển của số dư của tài sản dài hạn, bao gồm những khoản:
- Thêm tài sản
- Thanh lý tài sản
- Tăng/Giảm giá trị từ việc đánh giá lại tài sản
- Giảm giá trị ghi sổ tài sản
- Khấu hao tài sản
- Các khoản thay đổi giá trị khác
Báo cáo tài chính phải trình bày:
Một diễn giải chính sách kế toán trình bày cơ sở đo lường để xác định giá trị mà tài sản được khấu hao, cùng với các chính sách kế toán khác
Với mỗi loại Đất đai, nhà xưởng và thiết bị:
- Phương pháp khấu hao được sử dụng
- Thời gian sử dụng hữu ích và tỷ lệ khấu hao được sử dụng
- Tổng khấu hao được phân bổ từng kỳ
- Khấu hao lũy kế đầu kỳ và cuối kỳ
Đối với tài sản được đánh giá lại:
- Cơ sở đánh giá lại tài sản
- Ngày có hiệu lực của việc đánh giá lại
- Người định giá (nếu không độc lập với công ty)
- Giá trị ghi sổ của mỗi loại đất đai, nhà xưởng và thiết bị đã được bao gồm trong báo cáo tài chính
Sự thay đổi thặng dư đánh giá lại tài sản trong kỳ và mọi hạn chế trong việc phân phối số dư tới chủ sở hữu