Giá gốc là gì? Nguyên tắc giá gốc là gì?

* Giá gốc là giá trị được ghi nhận ban đầu của nợ phải trả hay tài sản. Trong đó, giá gốc của tài sản bao gồm chi phí mua, lắp ráp, chế biến, bốc xếp, vận chuyển và các chi phí liên quan khác theo quy định tại pháp luật Việt Nam cho đến khi đưa tài sản vào trạng thái sẵn sàng sử dụng.

* Nguyên tắc giá gốc là gì?

Theo nguyên tắc giá gốc (tên tiếng Anh: Historical Cost Principle; tên gọi khác: nguyên tắc giá phí), tài sản được ghi nhận dựa trên giá gốc. Giá gốc của tài sản xác định nhờ vào số tiền đã trả, phải trả hoặc theo giá trị hợp lý tại thời điểm ghi nhận tài sản.

Vì vậy, các đối tượng kế toán mà đặc biệt là tài sản sẽ được ghi nhận dựa vào giá gốc ban đầu và không liên quan đến giá trị thị trường của chúng. Có thể nói, nguyên tắc giá phí không quan tâm đến giá trị hợp lý hay giá trị thị trường. Đồng thời, Historical Cost Principle cũng không đánh giá lại giá trị của tài sản.

Các doanh nghiệp thường sử dụng tài sản cho hoạt động sản xuất kinh doanh trong phạm vi nội bộ chứ không dùng cho mục đích mua bán tài sản. Do đó, việc đánh giá giá trị tài sản theo giá trị thị trường dù có tăng hay giảm so với giá gốc cũng không thể làm ảnh hưởng tới lợi ích kinh tế của tổ chức.

Nhìn chung, mục đích cuối cùng mà nguyên tắc giá phí hướng đến chính là nhằm đảm bảo bộ phận kế toán tại doanh nghiệp sẽ không phóng đại giá trị của đối tượng kế toán, giúp đảm bảo tối đa độ tin cậy trong thông tin.

Nguyên tắc giá gốc trong nghề kế toán | Định nghĩa, nội dung

Công thức tính giá gốc và các chi phí liên quan

Giá gốc được tính theo công thức sau:

Giá gốc = Giá mua sản phẩm theo hóa đơn + Thuế (không bao gồm thuế được hoàn lại) + Chi phí liên quan trực tiếp đến việc đưa tài sản vào trạng thái sẵn sàng sử dụng – Chiết khấu, giảm giá (nếu có)

Trong đó:

Các chi phí liên quan trực tiếp phải chi ra tính đến thời điểm đưa tài sản vào trạng thái sẵn sàng sử dụng:

  • Chi phí chuẩn bị mặt bằng;
  • Chi phí vận chuyển và bốc xếp ban đầu;
  • Chi phí lắp đặt, chạy thử (trừ (-) các khoản thu hồi về sản phẩm, phế liệu do chạy thử);
  • Chi phí nâng cấp;
  • Lệ phí trước bạ (với ô tô);
  • Chi phí chuyên gia và các chi phí liên quan trực tiếp khác

Ứng dụng nguyên tắc giá gốc trong kế toán

Nguyên tắc giá gốc trong nghề kế toán | Định nghĩa, nội dung

Nguyên tắc giá gốc là một trong những nguyên tắc kế toán cơ bản được quy định trong chuẩn mực Kế toán Việt Nam VAS số 1. Nguyên tắc này quy định rằng tài sản phải được ghi nhận theo giá gốc, bao gồm giá mua, chi phí vận chuyển, chi phí lắp đặt,…Giá gốc của tài sản không được thay đổi trừ khi có quy định khác trong chuẩn mực kế toán cụ thể.

Theo nguyên tắc giá gốc, khi doanh nghiệp phát sinh nghiệp vụ kinh tế mua tài sản cố định, công cụ dụng cụ hay nguyên vật liệu thì giá trị của những đối tượng kế toán này được xác định và ghi nhận theo giá gốc của chúng, không cập nhật theo giá trị thị trường biến động.

Ví dụ, nếu doanh nghiệp mua một chiếc ô tô với giá 1 tỷ đồng, thì giá trị của chiếc ô tô đó sẽ được ghi nhận vào bảng cân đối kế toán là 1 tỷ đồng, không phụ thuộc vào biến động giá thị trường của chiếc ô tô đó.