Tài khoản 335

Tài khoản 335 là gì?

Tài khoản 335 là tài khoản thuộc nguồn vốn của doanh nghiệp, phản ánh các khoản chi phí mà doanh nghiệp phải trả cho hàng hoá, dịch vụ đã nhận được từ người bán hoặc phải trả cho người lao động nhưng thực tế chưa chi trả do thiếu hồ sơ chứng từ. 

Chẳng hạn như: Lãi vay trả sau, tạm tính giá vốn hàng hóa, thành phẩm bất động sản đã bán.

Nguyên tắc kế toán tài khoản 335

  • Phân biệt chi phí phải trả & dự phòng phải trả để ghi nhận đúng tài khoản: Các khoản dự phòng phải trả là nghĩa vụ nợ hiện tại nhưng thường chưa xác định được thời gian thanh toán cụ thể cũng như giá trị phải trả (ví dụ khoản chi phí dự phòng bảo hành). Trong khi các khoản chi phí phải trả thì đã xác định thời gian và giá trị phải thanh toán rồi;
  • Trên Báo cáo tài chính, các khoản dự phòng phải trả được trình bày tách biệt với các khoản phải trả thương mại và phải trả khác trong khi chi phí phải trả là một phần của các khoản phải trả thương mại hoặc phải trả khác.
  • Việc hạch toán các khoản chi phí phải trả vào chi phí sản xuất, kinh doanh trong kỳ phải thực hiện theo nguyên tắc phù hợp giữa doanh thu và chi phí phát sinh trong kỳ. Các khoản phải trả chưa phát sinh do chưa nhận hàng hóa, dịch vụ nhưng được tính trước vào chi phí sản xuất, kinh doanh kỳ này để đảm bảo khi phát sinh thực tế không gây đột biến cho chi phí sản xuất, kinh doanh được phản ánh là dự phòng phải trả.
  • Các khoản chi phí phải trả phải được quyết toán với số chi phí thực tế phát sinh. Số chênh lệch giữa số trích trước và chi phí thực tế phải được hoàn nhập.
  • Việc trích trước chi phí để tạm tính giá vốn sản phẩm, hàng hoá bất động sản còn phải tuân thủ thêm các nguyên tắc sau:

– Doanh nghiệp chỉ được trích trước vào giá vốn hàng bán đối với các khoản chi phí đã có trong dự toán đầu tư, xây dựng nhưng chưa có đủ hồ sơ, tài liệu để nghiệm thu khối lượng và phải thuyết minh chi tiết về lý do, nội dung chi phí trích trước cho từng hạng mục công trình trong kỳ.

– Doanh nghiệp chỉ được trích trước chi phí để tạm tính giá vốn hàng bán cho phần hàng hoá bất động sản đã hoàn thành, được xác định là đã bán trong kỳ và đủ tiêu chuẩn ghi nhận doanh thu.

– Số chi phí trích trước được tạm tính và số chi phí thực tế phát sinh được ghi nhận vào giá vốn hàng bán phải đảm bảo tương ứng với định mức giá vốn tính theo tổng chi phí dự toán của phần hàng hoá bất động sản được xác định là đã bán (được xác định theo diện tích).

  • Việc xác định chi phí lãi vay được vốn hóa phải tuần thủ Chuẩn mực kế toán “Chi phí đi vay”. Việc vốn hóa lãi vay trong một số trường hợp cụ thể như sau:

– Đối với khoản vay riêng phục vụ việc xây dựng TSCĐ, BĐSĐT, lãi vay được vốn hóa kể cả khi thời gian xây dựng dưới 12 tháng;

– Nhà thầu không vốn hóa lãi vay khi đi vay để phục vụ việc thi công, xây dựng công trình, tài sản cho khách hàng, kể cả trường hợp đối với khoản vay riêng, vi dụ: Nhà thầy xây lắp vay tiền để thi công xây dựng công trình cho khách hàng, công ty đóng tàu theo hợp đòng cho chủ tàu…

  • Những khoản chi phí trích trước chưa sử dụng cuối năm phải giải trình trong bản thuyết minh Báo cáo tài chính.

Kết cấu tài khoản 335

Kết cấu của tài khoản 335 như sau:

Bên Nợ:

– Các khoản chi trả thực tế phát sinh đã được tính vào chi phí phải trả;

– Số chênh lệch về chi phí phải trả lớn hơn số chi phí thực tế được ghi giảm chi phí.

Bên Có: Chi phí phải trả dự tính trước và ghi nhận vào chi phí sản xuất, kinh doanh.

Tài khoản 335 có số dư bên Có, không có số dư bên Nợ

Cách hạch toán tài khoản 335

Tài khoản 335 có 7 trường hợp thường gặp sau đây

Trường hợp Trích trước vào chi phí về tiền lương nghỉ phép của công nhân sản xuất

  • Thời điểm trích trước, ghi:

Nợ TK 622 – Chi phí nhân công trực tiếp

Có TK 335 – Chi phí phải trả.

  • Khi tính tiền lương nghỉ phép thực tế, nếu số trích trước lớn hơn số thực tế phải trả, ghi:

Nợ TK 335 – Chi phí phải trả (số đã trích trước)

Có TK 622 – Chi phí nhân công trực tiếp.

Trường hợp chi sửa chữa TSCĐ nhưng chưa nghiệm thu, xuất hóa đơn

  • Tại thời điểm phát sinh chi phí nhưng chưa có hóa đơn, kế toán ghi:

Nợ các TK 241, 623, 627, 641, 642

Có TK 335 – Chi phí phải trả.

  •  Khi sửa chữa TSCĐ hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng, nếu số trích trước cao hơn chi phí thực tế phát sinh, ghi:

Nợ TK 335 – Chi phí phải trả (số đã trích trước lớn hơn chi phí phát sinh)

Có các TK 241, 623, 627, 641, 642

Trích trước chi phí dự tính phải chi trong thời gian ngừng việc theo thời vụ, hoặc ngừng việc theo kế hoạch

Kế toán ghi:

Nợ TK 623 – Chi phí sử dụng máy thi công

Nợ TK 627 – Chi phí sản xuất chung

Có TK 335 – Chi phí phải trả.

Chi phí thực tế phát sinh liên quan đến các khoản chi phí trích trước

Kế toán hạch toán:

Nợ các TK 623, 627 (nếu số phát sinh lớn hơn số trích trước)

Nợ TK 335 – Chi phí phải trả (số đã trích trước)

Nợ TK 133 – Thuế GTGT được khấu trừ (nếu có)

Có các TK 111, 112, 152, 153, 331, 334

Có các TK 623, 627 (nếu số phát sinh nhỏ hơn số trích trước).

Trường hợp ghi nhận lãi vay trả sau

Cuối kỳ kế toán tính số lãi tiền vay phải trả tương ứng phát sinh trong kỳ kế toán đó,hạch toán:

Nợ TK 635 – Chi phí tài chính (lãi tiền vay vốn sản xuất, kinh doanh)

Nợ các TK 627, 241 (lãi vay được vốn hóa)

Có TK 335 – Chi phí phải trả.

Trường hợp doanh nghiệp phát hành trái phiếu theo mệnh giá và trả lãi sau 

  1. Trái phiếu theo mệnh giá

  • Từng kỳ doanh nghiệp phải tính trước chi phí lãi vay phải trả trong kỳ vào chi phí sản xuất, kinh doanh hoặc vốn hoá, ghi:

Nợ các TK 627, 241 (lãi vay được vốn hóa)

Nợ TK 635 – Chi phí tài chính (nếu lãi vay tính vào chi phí tài chính)

Có TK 335 – Chi phí phải trả (phần lãi trái phiếu phải trả trong kỳ).

  • Cuối thời hạn của trái phiếu, doanh nghiệp thanh toán gốc và lãi trái phiếu cho người mua trái phiếu, ghi:

Nợ TK 335 – Chi phí phải trả (tổng số tiền lãi trái phiếu)

Nợ TK 34311 – Mệnh giá

Có các TK 111, 112,…

2. Trái phiếu có chiết khấu

  • Trích lãi từng kỳ:

Nợ các TK 627, 241 (lãi vay được vốn hóa)

Nợ TK 635 – Chi phí tài chính (nếu lãi vay tính vào chi phí tài chính)

Có TK 335 – Chi phí phải trả (phần lãi trái phiếu phải trả trong kỳ)

Có TK 34312 – Chiết khấu trái phiếu (số phân bổ trong kỳ).

  • Cuối thời hạn của trái phiếu, khi thanh toán gốc và lãi trái phiếu cho người mua trái phiếu, ghi:

Nợ TK 335 – Chi phí phải trả (tổng số tiền lãi trái phiếu)

Nợ TK 34311 – Mệnh giá

Có các TK 111, 112,…

3. Trái phiếu có phụ trội

  • Khi trích lãi vay từng kỳ:

Nợ các TK 627, 241 (lãi vay được vốn hóa)

Nợ TK 635 – Chi phí tài chính (nếu lãi vay tính vào chi phí tài chính)

Có TK 335 – Chi phí phải trả (phần lãi trái phiếu phải trả trong kỳ).

  • Khi thời hạn của trái phiếu đã hết, doanh nghiệp thanh toán gốc và lãi trái phiếu cho người mua trái phiếu, ghi:

Nợ TK 335 – Chi phí phải trả (tổng số tiền lãi trái phiếu)

Nợ TK 34311 – Mệnh giá

Có các TK 111, 112,…

Tạm tính giá vốn sản phẩm, hàng hóa bất động sản được xác định là đã bán

  • Khi trích trước chi phí để tạm tính giá vốn hàng hóa bất động sản đã bán trong kỳ, ghi:

Nợ TK 632 – Giá vốn hàng bán

Có TK 335 – Chi phí phải trả.

  • Các chi phí đầu tư, xây dựng thực tế phát sinh đã có đủ hồ sơ tài liệu và được nghiệm thu được tập hợp để tính chi phí đầu tư xây dựng bất động sản, ghi:

Nợ TK 154 – Chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang

Nợ TK 133 – Thuế GTGT được khấu trừ

Có các tài khoản liên quan.

  • Khi các khoản chi phí trích trước đã có đủ hồ sơ, tài liệu chứng minh là đã thực tế phát sinh, kế toán ghi giảm khoản chi phí trích trước và ghi giảm chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang, ghi:

Nợ TK 335- Chi phí phải trả

Có TK 154- Chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang.

  • Khi toàn bộ dự án bất động sản hoàn thành, kế toán phải quyết toán và ghi giảm số dư khoản chi phí trích trước còn lại, ghi:

Nợ TK 335- Chi phí phải trả

Có TK 154- Chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang

Có TK 632- Giá vốn hàng bán (phần chênh lệch giữa số chi phí trích trước còn lại cao hơn chi phí thực tế phát sinh).