Theo quy định hiện nay, hóa đơn trên 20tr sẽ phải được thanh toán bằng các hình thức chuyển khoản. Vậy trường hợp hóa đơn trên 20tr thanh toán bằng tiền mặt thì xử lý như thế nào? Mời bạn cùng tìm hiểu trong bài viết sau đây

Quy định của pháp luật về hóa đơn trên 20 triệu

Hóa đơn trên 20tr bằng tiền mặt có được khấu trừ thuế GTGT không?

Theo khoản 10 điều 1 thông tư 26/2015/TT-BTC, điều kiện để được khấu trừ thuế GTGT đầu vào là: 

– Có hóa đơn GTGT hợp pháp hoặc chứng từ nộp thuế GTGT khâu nhập khẩu hoặc chứng từ nộp thuế GTGT thay cho phía nước ngoài.

– Có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt đối với HHDV từ 20 triệu đồng trở lên (trừ nhập khẩu hàng hóa là quà biếu, quà tặng của tổ chức, cá nhân nước ngoài)

Như vậy:

Nếu hóa đơn đầu vào trên 20tr, bắt buộc phải thanh toán không dùng tiền mặt (thường là chuyển khoản) thì mới được khấu trừ thuế GTGT.

Nếu hóa đơn đầu vào là hóa đơn trực tiếp sẽ không được khấu trừ thuế GTGT dù thanh toán theo hình thức nào.

Hóa đơn trên 20tr bằng tiền mặt có được tính vào chi phí được trừ không?

Theo điều 4 thông tư 96/2015/TT-BTC, để khoản chi được tính vào chi phí được trừ, một trong các điều kiện là:

Hoá đơn mua vào từng lần có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên (giá đã bao gồm thuế GTGT) phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt.

Như vậy, hóa đơn trên 20tr bằng tiền mặt sẽ không được tính vào chi phí được trừ. Doanh nghiệp cần lựa chọn một hình thức thanh toán hợp lệ như chuyển khoản.

Cách xử lý hóa đơn trên 20tr thanh toán bằng tiền mặt

hóa đơn trên 20tr thanh toán bằng tiền mặt

Vậy, nếu DN đã chót thanh toán hóa đơn có giá trị trên 20tr bằng tiền mặt thì phải xử lý như thế nào?

Bước 1: DN cần liên hệ với phía nhà cung cấp đề nghị thanh toán lại bằng chuyển khoản.

Bước 2: Nếu nhà cung cấp đồng ý, DN tiến hành chuyển khoản thanh toán hóa đơn cho phía nhà cung cấp.

Bước 3: Sau đó nhà cung cấp chuyển sẽ chuyển khoản hoặc rút trả lại khoản tiền mặt trước đó đã nhận.

Bước 4: Hai bên làm thủ tục xử lý hóa đơn điện tử ghi sai hình thức thanh toán, từ “tiền mặt” thành “chuyển khoản”.

Bước 5: Lập các bút toán điều chỉnh

Nợ TK 111 Có TK 331 (bút toán điều chỉnh của bút toán thanh toán bằng tiền mặt đã ghi trước đó)

Nợ TK 331 Có TK 112 (khi thanh toán lại cho NCC bằng hình thức chuyển khoản)

Nợ TK 138 Có TK 111 (ghi nhận khoản phải thu khác do thanh toán thừa cho NCC)

Nợ TK 112 Có TK 138 (khi được NCC thanh toán lại bằng hình thức chuyển khoản)

Chia nhỏ hóa đơn để thanh toán bằng tiền mặt có được không?

Thực tế hiện nay, một số DN đã chia nhỏ thành nhiều hóa đơn để giá trị mỗi hóa đơn trên 20 triệu và thanh toán bằng tiền mặt.

Khoản 5, Điều 15 Thông tư số 219/2013/TT-BTC hướng dẫn vấn đề này như sau. Nếu mua hàng của một nhà cung cấp có giá trị dưới 20 triệu, nhưng mua nhiều lần trong cùng một ngày và tổng giá trị các hóa đơn vẫn đạt từ 20tr trở lên thì chỉ được khấu trừ thuế đối với trường hợp có chứng từ thanh toán qua ngân hàng.

Trường hợp doanh nghiệp cố ý xuất hóa đơn nhiều ngày khác nhau để “lách luật”, DN có thể bị phạt về hành vi xuất hóa đơn sai thời điểm.

Bởi lẽ ngày lập hóa đơn phải là ngày bàn giao xong quyền sở hữu/sử dụng tài sản, phải khớp với ngày trên biên bản bàn giao, nghiệm thu…

Hi vọng qua bài viết này, doanh nghiệp sẽ xử lý nhanh chóng nếu gặp phải tình trạng lỡ thanh toán hóa đơn trên 20 triệu bằng tiền mặt.