Nhiều trường đại học đã tăng cường sử dụng các chương trình máy tính để giám sát sinh viên làm bài thi. Tuy nhiên, điều này đang dấy lên nhiều tranh cãi. Liệu đây có phải là tương lai mới với các kỳ thi của học sinh, sinh viên?

***

RPA-UBot-Vietnam

Đại dịch bùng nổ đã khiến cả việc học và thi cử đều phải diễn ra từ xa. Một số trường học nhanh chóng áp dụng các phần mềm giám sát thi như Examplify, ExamSoft và ProctorU, được gọi chung là các chương trình “Proctor”.

Công nghệ này cho phép người dự thi có thể ngồi thi ngay tại nhà nhưng vẫn được giám sát một cách chặt chẽ để tránh gian lận xảy ra.

Cách thức hoạt động của các phần mềm Proctor

Phần mềm sẽ chiếm quyền điều khiển máy tính của sinh viên để chặn và theo dõi các hoạt động đáng ngờ, bao gồm: nắm bắt thông tin hệ thống, chặn truy cập web và phân tích các thao tác trên bàn phím. Nó cũng có thể điều khiển máy ảnh, máy tính và micrô để ghi lại quá trình làm bài thi của sinh viên.

Từ sự theo dõi và phân tích, các phần mềm Proctor sẽ sử dụng AI để xác định các hành vi đáng ngờ. Các thuật toán nhận dạng khuôn mặt có thể kiểm tra để đảm bảo rằng sinh viên vẫn đang ngồi làm bài mà không có ai khác trong phòng. Phần mềm còn có thể xác định các biểu hiện lạ như: nói thì thầm, đánh máy một cách khác thường, các chuyển động bất thường và các hành vi khác cho thấy dấu hiệu gian lận. 

Phần mềm AI giám sát thi cử

Sau khi phần mềm “gắn cờ” một trường hợp khả nghi, giám thị có thể điều tra thêm bằng cách xem video và âm thanh được lưu trữ để chất vấn sinh viên.

Sự cần thiết của những công cụ phòng chống gian lận

Các phần mềm Proctor có mục đích giảm gian lận trong các kỳ thi được tổ chức từ xa – một điều cần thiết trong thời kỳ đại dịch. Khi những kỳ thi được tổ chức công bằng, các bằng cấp hay chứng chỉ mới được bảo vệ nguyên giá trị, được đảm bảo trao cho những cá nhân đã nỗ lực, trung thực và xứng đáng. Điều này càng quan trọng hơn với các kỳ thi chuyên môn như y học hay luật.

Những kỳ thi không được kiểm soát chặt chẽ sẽ làm tăng động cơ gian lận của sinh viên, và điều này thật bất công với những người đã luôn chăm chỉ và trung thực.

Các công ty bán phần mềm Proctor tuyên bố rằng công cụ này sẽ đảm bảo sự công bằng trong kỳ thi cho tất cả các sinh viên. 

Tuy nhiên hiện nay, chính các sinh viên lại đang phản đối việc đưa vào sử dụng các chương trình phần mềm này. Câu hỏi là tại sao?

Những nguy cơ tiềm ẩn

Thật vậy, sinh viên đã phát động các cuộc biểu tình, kiến ​​nghị, thậm chí là khởi kiện liên quan đến việc áp dụng các phần mềm Proctor. Họ lên án các chương trình này là một sự xâm phạm quyền riêng tư, phân biệt đối xử, thậm chí còn là biểu hiện của sự “độc tài”.

Vậy, vấn đề của các phần mềm giám sát thi cử Proctor là gì?

Rủi ro bảo mật

Yêu cầu sinh viên cài đặt phần mềm có khả năng kiểm soát mạnh mẽ như vậy đối với máy tính là một rủi ro bảo mật không nhỏ. Trong một số trường hợp, phần mềm lén lút vẫn tồn tại ngay cả khi sinh viên gỡ cài đặt nó.

Các vấn đề kỹ thuật ảnh hưởng đến bài thi

Một số sinh viên có thể thiếu quyền truy cập vào các thiết bị phù hợp và kết nối internet mà phần mềm yêu cầu. Điều này dẫn đến các vấn đề kỹ thuật khiến họ gặp căng thẳng không thể nhanh chóng tiếp cận và tập trung hoàn toàn vào bài thi. Trong một sự cố, 41% học sinh đã gặp các vấn đề kỹ thuật do phần mềm Proctor.

Xâm phạm Quyền riêng tư

Các phần mềm quay lại video cũng có nghĩa là giám khảo có thể nhìn thấy nhà của sinh viên hay theo dõi khuôn mặt của họ. Thậm chí các video này còn được lưu lại và có thể xem nhiều lần, gây ra sự lo ngại về quyền riêng tư của người dự thi.

Kết quả chưa thực sự công bằng

Các thuật toán nhận dạng khuôn mặt trong phần mềm Proctor được đánh giá là không phải lúc nào cũng chính xác, chẳng hạn như chúng xác định khuôn mặt có nước da sẫm màu không chính xác bằng khuôn mặt có màu da sáng hơn. 

Phần mềm giám sát thi Proctor

Các thuật toán nhận dạng khuôn mặt trong phần mềm Proctor được đánh giá là không phải lúc nào cũng chính xác

Kết quả là sự phân biệt đối xử tiềm ẩn có thể làm tăng thêm thành kiến ​​xã hội. Vì vậy, việc lạm dụng các phần mềm chưa phải là phương án tối ưu cho việc phân rạch những thứ hạng trong thi cử.

Những nghi ngờ vô căn cứ

Các chương trình Proctor còn có thể xác định sai các chuyển động của mắt hoặc đầu của người dự thi. Điều này dẫn đến những nghi ngờ không có cơ sở về sự gian lận của sinh viên. 

Quá trình điều tra và chất vấn sau đó sẽ gây ra áp lực và sự tổn thương không nhỏ cho sinh viên do sự xác định vô căn cứ của các phần mềm giám sát này.

Có hay không giải pháp tốt hơn trong việc tổ chức thi cử từ xa?

Điều quan trọng là phải tìm cách tổ chức các kỳ thi từ xa một cách công bằng. Không phải lúc nào chúng tôi cũng có thể thay thế các bài kiểm tra bằng các bài đánh giá khác. Vì vậy, việc sử dụng các phần mềm Proctor vẫn đang được nhiều trường đại học cân nhắc.

Tuy nhiên, các tổ chức giáo dục cần minh bạch với sinh viên của mình, nghĩa là giải thích rõ về cách thức hoạt động của công nghệ này và những rủi ro có thể xảy ra với dữ liệu của sinh viên. 

Các hội đồng thi cũng có thể đưa ra một giải pháp khác cho sinh viên, đó là cho phép lựa chọn dự thi từ xa với Proctor hoặc ngồi thi trực tiếp. 

Mặc dù phương án ứng dụng AI trong tổ chức thi cử có thể là phương án khả thi nhất hiện nay, các trường học vẫn phải cân nhắc cẩn thận những rủi ro vốn có trong công nghệ này.

>> Xem thêm: Clearview AI là gì mà khiến những người trong sáng nhất vẫn e ngại?

Nguồn: Unis are using AI to keep students from cheating and it’s a bit creepy