akaBot vinh danh là ‘Sản phẩm số’ xuất sắc nhất tại Giải thưởng “Make in Viet Nam”
Sáng ngày 23/12, akaBot đã được xướng tên là ‘Sản phẩm số’ xuất sắc nhất tại giải thưởng ‘Make in Viet Nam’, thuộc khuôn khổ Diễn đàn quốc gia – Phát triển Doanh nghiệp công nghệ số lần thứ II, do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức.
Thư ngỏ từ Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
Tại Diễn đàn Quốc gia Phát triển Doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã gửi lời động viên khích lệ và nhiều tình cảm đến với hơn 60,000 doanh nghiệp số tại Việt Nam. Trong thư, Thủ tướng nhận định cộng đồng doanh nghiệp số đã đóng góp đến 120 tỷ USD cho nền kinh tế nước nhà này là nguồn động lực quan trọng, thúc đẩy kinh tế số, xã hội số nước ta.
Tiến đến giai đoạn 2025-2030, với Chính phủ hoàn thiện thể chế và tạo môi trường đầu tư sáng tạo cho các doanh nghiệp tiên phong làm chủ công nghệ, Việt Nam kỳ vọng sẽ đạt 100,000 doanh nghiệp số, chuyển đổi số toàn diện vì một Việt Nam thịnh vượng. Cuối cùng, Thủ tướng bày tỏ niềm tin vào cộng đồng doanh nghiệp số sẽ phát huy nội lực và trí tuệ để phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong tương lai.
Bộ Trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng: “Không Make in Viet Nam thì không thể tự cường”
“Không Make in Viet Nam thì không thể trở thành nước phát triển. Không Make in Viet Nam thì không thể đi ra thế giới. Không Make in Viet Nam thì không thể tự cường, thịnh vượng”
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, chỉ sau một năm từ khi phát động chiến dịch “Make in Viet Nam” đã có hơn 13,000 doanh nghiệp số mới ra đời, tăng 28% so với con số ban đầu. Do vậy, con số 100,000 có thể đạt được vào năm 2025 thay vì 2030 như dự tính.
Các doanh nghiệp số Việt Nam có nhiệm vụ sáng tạo, làm chủ công nghệ và giải quyết bài toán Việt Nam bằng cách của người Việt. Chỉ có như vậy, niềm tự hào Việt Nam mới được lan tỏa đến mọi miền. Ông cho rằng, đã đến lúc chúng ta “kể câu chuyện Việt Nam của mình”.
Sứ mệnh
Nói về sứ mệnh công nghệ của Việt Nam, ông nhấn mạnh nước ta đã vượt qua kỳ vọng của thế giới khi đã đạt được nhiều thành tích đáng nể. Một trong số đó là trở thành nước thứ 5 làm chủ công nghệ 5G. Theo ông:
Công nghệ không phải điều gì cao siêu. Nó là kết quả của lao động sáng tạo.
Để kích hoạt sự lao động sáng tạo này là khát vọng lớn, bền bỉ sẽ dẫn đường chỉ lối cho người Việt đạt được sứ mệnh chuyển đổi số ‘Make in Viet Nam’. Bộ trưởng nhận định, chúng ta nên lựa chọn công nghệ mở, nguồn mở để phát triển nhanh chóng, vừa thừa hưởng, vừa đóng góp cho tri thức nhân loại.
3 câu chuyện công nghệ từ Chủ tịch FPT – ông Trương Gia Bình
Tiếp nối diễn đàn, Chủ tích FPT – ông Trương Gia Bình phát biểu cộng đồng CNTT hưởng ứng nhiệt liệt thông điệp của Chính phủ rằng nếu không làm chủ công nghệ thì không thể tiên tiến được. Ông chia sẻ, khát vọng vươn ra thế giới đã luôn đồng hành với FPT trong suốt 20 năm qua, được thể hiện qua 3 câu chuyện của quá khứ – hiện tại – tương lai.
Câu chuyện quá khứ
20 năm trước, FPT nuôi dưỡng đội phần mềm và đi ra thế giới “một cách tuyệt vọng”. Văn phòng mở tại Silicon Valley bị đống cửa vì không thể kiếm nổi một khách hàng, phải mang việc từ Việt Nam sang Mỹ làm. Cho đến khi ngân sách xuất khẩu phần mềm đã cạn kiệt thì đến năm 2002, FPT đã được các khách hàng ở Nhật chấp nhận sử dụng.
Từ đội ngũ chỉ vỏn vẹn 17 lập trình viên, đến nay FPT đã có đến 17,000 người, phục vụ 700 khách hàng (trong đó có 100 doanh nghiệp thuộc top 500 danh sách Fortune Global). Từ những công việc đơn giản chỉ trả 1500 USD/người mỗi tháng, giờ đây công việc việc phức tạp nhất là tư vấn chuyển đổi số đã lên đến mức 40 nghìn USD/người mỗi tháng. Tuy năm 2020 đang có đại dịch COVID-19 hoành hành, FPT cũng vượt qua nhiều tên tuổi công nghệ thế giới để ký hợp đồng 150 triệu USD với khách hàng ở Mỹ. Tại Nhật bản, FPT lọt top 50 nhà cung cấp phần mềm hàng đầu.
FPT không muốn đi một mình…
Tuy nhiên, ông Trương Gia Bình nhấn mạnh, FPT không muốn đi một mình trên con đường chinh phục công nghệ thế giới. Vì thế, năm 2002, Hiệp hội Phần mềm và Doanh nghiệp CNTT Việt Nam VINASA ra đời với lực lượng 300,000 “chiến binh viễn chinh” với tổng giá trị lên đến 5 tỷ USD. Với tinh thần đoàn kết vì mục đích chung là chuyển đổi số nước nhà, ông nhấn mạnh:
“Lực lượng CNTT Việt Nam có thể làm được bất cứ điều gì, có thể giải quyết nhu cầu chuyển đổi số của đất nước và cung cấp dịch vụ chuyển đổi số cho thế giới”
Câu chuyện hiện tại
Cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4 đã tạo cơ hội để Việt Nam bắt đầu từ điểm xuất phát cùng các quốc gia khác. Thách thức lớn nhất là tìm chỗ hở nào cho Việt Nam chen chân vào.
Chuyển đổi số tạo thêm nhiều cơ hội để xây dựng phần mềm mới. Trong số đó, một công nghệ có tính ứng dụng vô cùng lớn là Robot tự động hóa quy trình RPA (akaBot), giúp doanh nghiệp tự động hóa quy trình thủ công đang tốn nhiều nhân lực. Bắt đầu với 135 bot để xử lý 135 quy trình, akaBot giờ đây có hơn 50 khách hàng tại các thị trường công nghệ khó tính nhất như Nhật Bản, Châu Âu và Mỹ, nằm trong top 6 các nền tảng RPA thế giới.
“akaBot giúp doanh nghiệp xử lý nhanh hơn 90% thời gian, tiết kiệm 50% nhân lựuc, tăng 30% hiệu quả công việc”
Câu chuyện tương lai
Hướng đến tương lai, ông Trương Gia Bình nhận định lợi thế của Việt Nam là chưa có tiền lệ ứng dụng công nghệ, nên có thể tiến thẳng đến chuyển đổi số bằng các công nghệ mới nhất như trí tuệ nhân tạo, không mất thời gian chuyển đổi từ cũ sang mới như nhiều quốc gia khác. Ông kêu gọi các doanh nghiệp lớn như Viettel, VNPT, FPT, v.v cùng các SMEs kết hợp để xây dựng thêm nhiều dịch vụ phục vụ cho chính quyền và người dân.
Lời cuối cùng, ông Bình mong muốn cộng đồng công nghệ thông tin đi cùng tập đoàn nền tảng để cùng nhau tạo nên VN mới.
“Hãy bay lên đàn chim Việt lên bầu trời của VN hùng cường.”
akaBot thắng Giải Nhất “Sản phẩm số xuất sắc” tại lễ trao giải “Make in Viet Nam”
Tại lễ trao giải “Make in Viet Nam”, akaBot – nền tảng tự động hóa quy trình nghiệp vụ của FPT Software đã được xướng tên là sản phẩm số xuất sắc nhất.
Giải Nhất Sản phẩm công nghệ số ‘Make in Viet Nam’ mang ý nghĩa vô cùng lớn với đội ngũ akaBot, thể hiện chiến lược đúng đắn và những nỗ lực không ngừng nghỉ để trở thành nền tảng tự động hóa phù hợp nhất, giải quyết các bài toán cho doanh nghiệp Việt bằng trí tuệ Việt. Hơn thế, thành tựu này còn góp phần hưởng ứng chiến dịch Chuyển đổi số Quốc gia định hướng 2025-2030 mà Thủ tướng Chính phủ đã ban hành, nhằm đưa Việt Nam trở thành cường quốc sáng tạo công nghệ trên bản đồ thế giới.
Với thành tựu này, akaBot vinh dự là đại diện tiêu biểu của FPT sánh vai cùng hơn 60,000 doanh nghiệp số tài năng tại Việt Nam, nhằm xây dựng một cộng đồng công nghệ thông tin vững mạnh, quyết liệt đưa Việt Nam chuyển dịch số thành công trong cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4 của thế giới.
Thông tin về akaBot
akaBot là nền tảng RPA tiên phong tại Việt Nam, được định vị thương hiệu quốc tế. Chỉ sau hơn 2 năm đi vào hoạt động, akaBot đã đạt nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế về giải pháp số. Các khách hàng của akaBot có trụ sở trên toàn cầu tại Mỹ, Nhật Bản, Anh, Úc, v.v. akaBot tự hào là giải pháp tự động hóa tiên phong phù hợp nhất cho doanh nghiệp Việt Nam với khả năng nhận diện và xử lý ngôn ngữ vùng miền. Không chỉ cung cấp nền tảng công nghệ, akaBot còn cung cấp dịch vụ trọn gói từ tư vấn, đánh giá, triển khai giải pháp tới bảo trì, đào tạo.