Khác với kế toán tài chính (chủ yếu phục vụ cho các bên ngoại vi như các nhà đầu tư, cơ quan thuế), kế toán quản trị phục vụ cho những người quản lý trong doanh nghiệp và có vai trò rất quan trọng trong điều hành doanh nghiệp.
1. Kế toán quản trị là gì
Kế toán quản trị (Management Accounting), là một ngành trong lĩnh vực kế toán, tập trung vào việc cung cấp thông tin cho người quản lý doanh nghiệp, giúp họ lập kế hoạch, đưa ra quyết định và kiểm soát hoạt động.
2. So sánh kế toán quản trị và kế toán tài chính
- Khác với kế toán tài chính – một ngành kế toán chủ yếu phục vụ cho các bên ngoại vi như các nhà đầu tư, cơ quan thuế, kế toán quản trị phục vụ cho những người quản lý trong doanh nghiệp. Nói cách khác, kế toán quản trị phục vụ nội bộ, kế toán tài chính hướng đến các đối tượng, cơ quan bên ngoài
- Thông tin của kế toán quản trị không nhất thiết phải tuân theo các quy định về thuế hay kế toán tài chính, mà thay vào đó sẽ được điều chỉnh theo nhu cầu của các nhà quản lý.
3. Vai trò của kế toán quản trị
Kế toán quản trị đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp thông tin đáng tin cậy, chi tiết và kịp thời để hỗ trợ quyết định của nhà quản lý. Dưới đây là bốn chức năng cơ bản của kế toán quản trị:
3.1. Lập kế hoạch (Planning)
Kế toán quản trị giúp lập kế hoạch tài chính cho tương lai, xác định mục tiêu kinh doanh, lập dự toán chi phí và xác định giá cả sản phẩm dựa trên chi phí và lợi nhuận mong muốn. Điều này giúp tổ chức định hình chiến lược và hướng đi của mình.
3.2. Ra quyết định (Decision Making)
Kế toán quản trị cung cấp các thông tin chi tiết về chi phí, lợi nhuận và hiệu suất, giúp nhà quản lý đưa ra quyết định thông minh về việc sản xuất thêm, giảm bớt sản phẩm, đầu tư vào dự án mới hay thay đổi chiến lược kinh doanh.
3.3. Kiểm soát (Control)
Kế toán quản trị cũng đảm nhiệm nhiệm vụ theo dõi và kiểm soát chi phí, thu nhập, và các yếu tố khác của tổ chức để đảm bảo rằng mọi thứ đang diễn ra theo kế hoạch và dự toán. Điều này bao gồm việc phân tích sự khác biệt giữa dự toán và thực tế, và đề xuất các biện pháp cải thiện nếu cần.
3.4. Đánh giá hiệu suất (Performance Evaluation)
Kế toán quản trị giúp đánh giá hiệu suất của các bộ phận, dự án, và nhân viên trong tổ chức. Điều này bao gồm việc xác định và theo dõi các chỉ số hiệu suất chính (KPIs) và cung cấp phản hồi để cải thiện hiệu suất trong tương lai.
Những chức năng này giúp kế toán quản trị trở thành một công cụ hữu ích và không thể thiếu để hỗ trợ quản lý và điều hành một tổ chức một cách hiệu quả.
Công việc của kế toán quản trị
Công việc của kế toán quản trị vô cùng đa dạng và phức tạp, bao gồm các vấn đề sau:
- Phân tích chi phí: Kế toán quản trị phải xác định chi phí của các sản phẩm hoặc dịch vụ, bao gồm chi phí cố định và chi phí biến đổi (nguyên vật liệu, chi phí lao động, chi phí chung và chi phí quản lý…) Kế toán quản trị cũng phải phân tích sự thay đổi của chi phí theo sản lượng và thời gian để hỗ trợ việc lập kế hoạch và đưa ra quyết định.
- Lập dự toán: Kế toán quản trị cần lập các kế hoạch tài chính, bao gồm dự toán doanh thu, chi phí, lợi nhuận và dòng tiền.
- Phân tích lợi nhuận: theo từng sản phẩm, dự án, bộ phận hoặc khách hàng để giúp nhà quản lý hiểu rõ nguồn lợi nhuận của công ty và đưa ra quyết định kinh doanh phù hợp.
- Phân tích hiệu suất: của các bộ phận và nhân viên trong tổ chức, thông qua việc xác định và theo dõi các chỉ số hiệu suất chính (KPIs).
Kỹ năng cần có của kế toán quản trị
Những người làm trong lĩnh vực kế toán quản trị cần phải có một loạt các kỹ năng để thực hiện công việc của mình hiệu quả, bao gồm:
- Kỹ năng phân tích: Kế toán quản trị cần phải phân tích và hiểu các số liệu tài chính để đưa ra thông tin hữu ích cho nhà quản lý, bao gồm việc phân tích chi phí, lợi nhuận, hiệu suất, và nhiều yếu tố khác.
- Kỹ năng số học: Kế toán quản trị cần sử dụng toán học trong công việc hàng ngày, từ việc tính toán chi phí và lợi nhuận, đến việc phân tích dữ liệu và lập dự toán.
- Kỹ năng giao tiếp: Kế toán quản trị cần giao tiếp với các nhà quản lý và các bộ phận khác trong tổ chức; đồng thời giải thích các số liệu tài chính và phân tích của mình một cách rõ ràng và dễ hiểu.
- Hiểu biết về kinh doanh: Họ cần hiểu về hoạt động kinh doanh của tổ chức của mình cũng như về thị trường và ngành công nghiệp mà họ đang hoạt động để đưa ra tư vấn phù hợp.
- Kỹ năng lập kế hoạch và tổ chức: Họ cần lập kế hoạch và tổ chức công việc của mình một cách hiệu quả, từ việc lập dự toán và kế hoạch tài chính, đến việc quản lý dự án
- Kỹ năng đánh giá và quản lý rủi ro: Họ cần phải nhận biết và đánh giá các rủi ro tài chính và kinh doanh, và thực hiện các biện pháp kiểm soát để giảm thiểu rủi ro.
Lộ trình trở thành kế toán quản trị
Để trở thành một kế toán quản trị, bạn cần theo đuổi một lộ trình bao gồm học tập, kinh nghiệm và chứng chỉ chuyên ngành.
- Học tập: Đầu tiên, bạn nên tốt nghiệp đại học trong một lĩnh vực liên quan như Kế toán, Tài chính, Kiểm toán. Ngoài ra, bạn cũng có thể tham gia thêm các khóa học chuyên sâu về kế toán quản trị, phân tích tài chính, quản trị rủi ro và quản lý chi phí để xây dựng nền tảng cần thiết.
- Kinh nghiệm làm việc: Sau khi tốt nghiệp, bạn nên bắt đầu làm việc từ vị trí kế toán hoặc tài chính cơ bản để hiểu rõ hơn về hoạt động thực tế của lĩnh vực này.
- Chứng chỉ chuyên ngành: Để nâng cao cơ hội nghề nghiệp và chứng minh năng lực của bạn, việc nhận một chứng chỉ chuyên ngành sẽ rất hữu ích (ví dụ Chứng chỉ Kế toán Quản trị Chi phí (CMA) của Viện Kế toán Quản trị Hoa Kỳ (IMA). Để nhận được chứng chỉ này, bạn cần vượt qua một kỳ thi khá khó khăn và có ít nhất hai năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực kế toán quản trị.
Hiện nay, mức lương của kế toán quản trị có thể giao động từ 15,000,000đ đến trên 50,000,000đ. Thu nhập của công việc này rất hấp dẫn nhưng yêu cầu về trình độ, kỹ năng cũng rất cao. Vì vậy nếu bạn có niềm yêu thích với kế toán quản trị, hãy cố gắng học tập và trau dồi kiến thức để đạt được ước mơ nhé.